Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (19/9), với tâm lý tránh rủi ro đè nặng thị trường khi Fed bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Cuộc họp của Fed bắt đầu từ hôm nay và giới đầu tư dự báo Fed sẽ không nâng lãi suất trong lần họp này. Thị trường cũng đang đặt cược khả năng 29% Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11.
Tuy nhiên, kế hoạch cuối năm Fed vẫn chưa chắc chắn, đặc biệt là sau khi dữ liệu chỉ số CPI vào tuần trước ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 14 tháng.
“Những gì đã được phản ánh vào thị trường chỉ ra khả năng lớn Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất, nhưng rủi ro hiện hữu là lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”, Michael Green, chiến lược gia trưởng tại Simply Asset Management ở Philadelphia cho biết
Sau cuộc họp, giới đầu tư sẽ tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về đánh giá của ông về đường đi của lạm phát, tăng trưởng kinh tế và chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Nhiều ngân hàng trung ương khác dự kiến cũng sẽ công bố quyết định chính sách trong tuần này như Brazil, Indonesia, Nhật Bản, Na Uy, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Đài Loan và Anh…
Kết thúc phiên 19/9: Chỉ số Dow Jones giảm 106,57 điểm (-0,31%), xuống 34.517,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,58 điểm (-0,22%), xuống 4.443,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,05 điểm (-0,23%), xuống 13.678,19 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, đà tăng của cổ phiếu năng lượng đã bù đắp cho đà đi xuống của cổ phiếu các ngành công nghiệp, trong khi đó, các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trước một loạt quyết định của nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm nhẹ 0,04% xuống 456,52 điểm.
Nhóm cổ phiếu Công nghiệp kéo dài đà giảm sang phiên thứ hai liên tiếp, với Deutsche Post của Đức dẫn đầu khi giảm 6,5%.
Các nhà đầu tư thận trọng trước quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong tuần này, bao gồm Fed vào thứ Tư và Ngân hàng Anh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Riksbank và Norges Bank vào thứ Năm.
Thêm vào sự lo lắng, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã tiếp cận mức cao nhất trong hơn 12 năm vào thứ Ba, sau khi các quan chức ECB nhấn mạnh lại rằng lãi suất sẽ ở mức hiện tại trong một thời gian dài.
Kết thúc phiên 19/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 7,26 điểm (+0,09%), lên 7.660,20 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 62,64 điểm (-0,40%), xuống 15.664,48 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 5,98 điểm (+0,08%), lên 7.282,12 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, với các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà đi xuống, trong bối cảnh giao dịch thận trọng trước cuộc họp của các ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,87% xuống 33.242,59 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,08% 2.430,39 điểm.
Cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 5,23% và là lực cản lớn nhất đối với thị trường. Các cổ phiếu chip khác cũng lùi bước với Advantest mất 4,03% và Renesas Electronics giảm 4,75%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ công bố quyết định chính sách vào thứ Sáu sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi phát biểu từ Thống đốc BOJ Kazuo Ueda, người đã nói với một tờ báo hồi đầu tháng này rằng, ngân hàng trung ương có thể có đủ dữ liệu vào cuối năm để đánh giá liệu có điều kiện để tăng lãi suất ngắn hạn hay không.
Chứng khoán Trung Quốc trượt dốc vào thứ Ba, khi một số nhà đầu tư vẫn thận trọng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả khi dữ liệu mới nhất cho thấy một số dấu hiệu ổn định.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,03% xuống 3.124,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,19% xuống 3.720,50 điểm.
“Dữ liệu kinh tế tháng 8 được công bố vào tuần trước cho thấy một số cải thiện nhẹ… Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã thực sự chạm đáy. Mọi con mắt đang đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản sau khi rất nhiều biện pháp nới lỏng được triển khai trong tháng qua”, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết.
Ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc đã gặp gỡ các tổ chức tài chính và công ty nước ngoài vào thứ Hai, bao gồm JPMorgan, HSBC, khi Bắc Kinh cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế.
Trung Quốc sẽ cải thiện chính sách, và tạo ra một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường và cấp quốc tế, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết tại cuộc họp.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, khi giới đầu tư đón nhận lời hứa mới nhất của Bắc Kinh về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,37% lên 17.997,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,42% lên 6.235,65 điểm.
Đáng chú ý là cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Sunac China Holdings tăng 4,6%, sau khi các chủ nợ phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài trị giá 9 tỷ USD.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị kéo xuống bởi sự sụt giảm trong lĩnh vực pin và sự thận trọng trước cuộc họp chính sách của Fed
Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 15,51 điểm, tương đương 0,6% xuống 2.559,21 điểm.
Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 2,07%, theo chân sự sụt giảm qua đêm của gã khổng lồ xe điện Tesla của Mỹ.
Cổ phiếu của LG Chem, tập đoàn mẹ của LG Energy, giảm 3,6% trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 1,6% và 0,24%.
Kết thúc phiên 18/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 290,50 điểm (-0,87%), xuống 33.242,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,98 điểm (-0,03%), xuống 3.124,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 66,62 điểm (+0,37%), lên 17.997,17 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,51 điểm (-0,60%), xuống 2.559,21 điểm.
Giá dầu thô giảm bởi hoạt động chốt lời sau khi tăng ba phiên tăng liên tiếp trước đó.
Một báo cáo của ngân hàng UBS dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong những tháng tới, và mức giá cuối năm nay sẽ là 95 USD/thùng.
Kết thúc phiên 19/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,28 USD/thùng (-0,31%), xuống 91,2 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,9 USD/thùng (-0,1%), xuống 94,3 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn