Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên thứ Tư (27/3), với Dow Jones dẫn đầu mức tăng và S&P 500 lập kỷ lục, trong khi đó, các nhà đầu tư hướng sự tập trung dữ liệu lạm phát và bình luận của chủ tịch Fed để biết thêm về con đường của lãi suất trong tương lai.
Sau ba phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, thì vào phiên này, tất cả 11 chỉ số phụ thuộc S&P 500 đều tăng, với nhóm cổ phiếu tiện ích đứng đầu với mức tăng 2,8%, theo sau là bất động sản tăng 2,4% và công nghiệp tăng 1,6%.
Cả ba chỉ số đều đang hướng tới tháng tăng điểm thứ năm liên tiếp. Tính từ đầu tháng 3, S&P 500 đã tăng khoảng 3% trong khi Dow Jones và Nasdaq tăng khoảng 1,9%.
Trong khi đó, giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào Thứ Sáu, khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Các nhà giao dịch nhận thấy 70% khả năng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 6, theo công cụ CME FedWatch.
Kết thúc phiên 27/3: Chỉ số Dow Jones tăng 477,15 điểm (+1,22%), lên 39.760,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 44,91 điểm (+0,86%), lên 5.248,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 833,82 điểm (+0,51%), lên 16.399,52 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi các cổ phiếu lĩnh vực phòng thủ, trong khi cổ phiếu của nhà bán lẻ thời trang niêm yết lớn thứ hai thế giới H&M chứng kiến phiên tăng mạnh nhất trong gần chín tháng nhờ kết quả kinh doanh lạc quan.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,13% lên 511,75 điểm, được hỗ trợ bởi cổ phiếu phòng thủ như tiện ích tăng 1,32% và chăm sóc sức khỏe tăng 0,4%.
Cổ phiếu H&M của Thụy Điển là một trong những cổ phiếu hoạt động hiệu quả nhất, tăng 15,2% sau khi nhà bán lẻ báo cáo lợi nhuận hoạt động quý đầu tiên năm 2024 cao hơn dự kiến. Lĩnh vực bán lẻ theo đó tăng 2,5%.
Chỉ số STOXX đang hướng đến quý tăng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 6,8% cho đến nay nhờ các tín hiệu ôn hòa từ các ngân hàng trung ương lớn và sự phục hồi của các cổ phiếu công nghệ.
Trọng tâm vào cuối tuần sẽ là dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 2 của Mỹ, có thể cung cấp manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed.
Trong khi đó, thành viên hội đồng quản trị ECB Piero Cipollone cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày càng tự tin rằng lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu 2% vào giữa năm 2025.
Trong một động thái khác, Ngân hàng trung ương Thụy Điển giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4% đúng như dự kiến và cho biết rằng áp lực lạm phát hiện đã giảm bớt đủ để cắt giảm lãi suất chính sách trong những tháng tới.
Kết thúc phiên 27/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 1,02 điểm (+0,01%), lên 7.931,98 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 92,74 điểm (+050%), lên 18.477,09 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 20,06 điểm (+0,25%), lên 8.204,81 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi đồng yên giảm xuống mức yếu nhất kể từ năm 1990 đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu xuất khẩu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,9% lên 40.762,73 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,66% lên 2.799,28 điểm.
Đồng yen suy yếu xuống mức 151,975 so với USD, thúc đẩy cảnh báo ngay lập tức từ Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản về “hành động quyết đoán”, cụm từ mà ông sử dụng lần cuối vào cuối năm 2022, trước khi mua đồng yên để can thiệp.
Đồng yên đã trượt giá bất chấp đợt tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong 17 năm vào tuần trước.
Thị trường tăng cũng do nhu cầu đối với cổ phiếu chi trả cổ tức cao sau khi năm tài chính sắp kết thúc tại Nhật Bản, với Fast Retailing tăng 1,27%, Daikin Industries tăng 2,69%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm và đồng nhân dân tệ suy yếu và các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh đã đè nặng lên thị trường, ngay cả khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,26% xuống 2.993,14 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,16% xuống 3.502,79 điểm.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9 tỷ nhân dân tệ (1,25 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc và ghi nhận dòng vốn chảy ra một ngày lớn nhất kể từ giữa tháng Giêng.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lợi nhuận công nghiệp của các công ty Trung Quốc tăng 10,2% so với một năm trước đó trong hai tháng đầu năm.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng sau khi Tập đoàn Alibaba đột ngột hủy bỏ kế hoạch niêm yết tại Hồng Kông cho đơn vị Cainiao.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,31% xuống 16.399,95 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,68% xuống 5.727,42 điểm.
Cổ phiếu Alibaba giảm 2,2% sau khi rút đơn đăng ký niêm yết cho Cainiao. Thay vào đó, Alibaba sẽ mua số cổ phần còn lại của công ty hậu cần mà hiện tập đoàn chưa sở hữu. Theo đó, Alibaba hiện sở hữu 64% cổ phần của Cainiao và dự định đầu tư tới 3,75 tỷ USD để mua 36% còn lại từ các nhà đầu tư thiểu số và nhân viên có vốn chủ sở hữu.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư hạn chế đặt cược lớn và chờ đợi dữ liệu lạm phát ở Mỹ để tìm manh mối về lộ trình chính sách của Fed.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI chỉ giảm 1,98 điểm, tương đương -0,07% xuống 2.755,11 điểm.
Trong số cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,13%, trong khi SK Hynix tăng 2,6%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,74%.
Hyundai Motor tăng 1,46% sau khi cho biết họ sẽ đầu tư 68 nghìn tỷ won (51 tỷ USD) trong ba năm để tăng cường tiềm năng tăng trưởng xe điện và tuyển thêm 80.000 lao động mới.
Kết thúc phiên 27/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 364,70 điểm (+0,90%), lên 40.762,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,34 điểm (-1,26%), xuống 2.993,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 218,37 điểm (-1,31%), xuống 16.399,95 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,98 điểm (-0,07%), xuống 2.755,11 điểm.
Giá dầu thô giảm nhẹ sau khi dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/3. Lượng tồn trữ xăng tăng 1,3 triệu thùng.
Kết thúc phiên 27/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,27 USD/thùng (-0,33%), xuống 81,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,16 USD (-0,19%), xuống 86,09 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn