Đà tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu trong thời gian qua được hỗ trợ bởi yếu tố vĩ mô hoặc doanh nghiệp có câu chuyện riêng.
“Chất xúc tác” tích cực
Thông tin chuyển sàn góp phần giúp cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) lọt vào danh sách các mã chứng khoán tăng giá mạnh nhất trong 3 tháng qua. Tính từ đầu tháng 11/2023 tới ngày 29/2/2024, cổ phiếu VTP ghi nhận mức tăng 92%, đạt 78.400 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá chốt phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM, cũng là mức giá cao nhất của VTP từ trước đến nay. VTP sẽ có phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE vào ngày 12/3, với mức giá tham chiếu là 65.400 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh khởi sắc của Viettel Post giúp cổ phiếu thu hút nhà đầu tư. Trong năm 2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 380 tỷ đồng, tăng 49%; sản lượng bưu chính tăng 43%; lĩnh vực lõi là chuyển phát tăng 29,1% so với năm 2022, gấp 3,3 lần mức tăng trưởng chung của ngành bưu chính (8,9%).
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post kỳ vọng, doanh số 5 năm tới sẽ gấp 10 lần năm 2023, tương đương mức tăng trưởng 60 – 65%/năm. Về mặt công nghệ, ngoài việc tiên phong áp dụng robot AGV, Viettel Post đã làm chủ phần mềm và hệ thống điều khiển, tiến tới hợp tác với các đơn vị khác trong Tập đoàn Viettel để sản xuất cả phần cứng
Đà tăng giá của cổ phiếu VTP còn được thúc đẩy bởi động thái mua ròng của khối nhà đầu tư ngoại. Ngoài ra, VTP là cổ phiếu duy nhất trên UPCoM lọt vào Top đầu tư của cả 3 quỹ thuộc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank.
Ở nhóm ngân hàng, một số cổ phiếu ghi nhận vượt đỉnh lịch sử như cổ phiếu VCB của Vietcombank, cổ phiếu BID của BIDV, cổ phiếu MBB của MB, với các yếu tố hỗ trợ riêng. Chẳng hạn, ACB kiểm soát nợ xấu tốt hơn so với mặt bằng chung của ngành, không liên quan nhiều đến các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và duy trì được kết quả kinh doanh ổn định.
Trong nhóm chứng khoán, cổ phiếu FTS của Công ty Chứng khoán FPT, cổ phiếu CTS của Công ty Chứng khoán VietinBank, cổ phiếu BSI của Công ty Chứng khoán cũng lập kỷ lục mới về giá.
Cổ phiếu ngành chứng khoán có tính chu kỳ cao và thường đồng pha với điểm số cũng như thanh khoản của thị trường chung. Theo đó, hệ số P/B của các công ty chứng khoán dao động trong biên độ rất lớn. Nhìn lại lịch sử, lúc thị trường ở giai đoạn khó khăn, P/B của các công ty hàng đầu chỉ từ 0,8 – 1 lần, nhưng khi thị trường hưng phấn có thể lên đến 3 – 4 lần, điều này lặp đi lặp lại trong 5 năm trở lại đây.
Trong góc nhìn của ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV, ngành chứng khoán gắn chặt với biến động của thị trường, biến động lãi suất và chu kỳ của nền kinh tế. Các cổ phiếu vượt đỉnh có 2 đặc điểm nổi bật: một là, doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2023, hoặc triển vọng cải thiện mạnh trong năm 2024; hai là, cơ cấu cổ đông chặt chẽ, tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành ở mức thấp.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu ngành có nền tảng vững chắc, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao bao gồm VCB, BID, FPT, GMD, BMP, DGC, PVS, VTP, VGI…; doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực và cơ cấu cổ đông chặt chẽ bao gồm FRT, CTR, DRC, FTS…
Trong đó, cổ phiếu DGC được kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành điện tử và bán dẫn, cùng với khu liên hợp hóa chất “tỷ đô” dự kiến sẽ sớm được khởi công.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu vượt đỉnh tập trung vào ngành ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ô tô và phụ tùng, hóa chất.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào chu kỳ mới nên có những cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử là không bất ngờ, tương tự như các thị trường khác trên thế giới.
Dư địa tăng giá: Cần đánh giá nhiều yếu tố
Các cổ phiếu vượt đỉnh tập trung vào ngành ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ô tô và phụ tùng, hóa chất.
Tâm lý thị trường thường lo ngại về “giá đắt” đối với các cổ phiếu đang ở vùng đỉnh nên có xu hướng dịch chuyển sang các cổ phiếu tăng chưa tăng hoặc tăng ít. Đặt trong một chu kỳ tăng kéo dài, đa số cổ phiếu đó lập các đỉnh cao mới, nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có dư địa tăng trưởng tốt và ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian dài.
Để đánh giá dư địa tăng giá các cổ phiếu đã chạm và vượt đỉnh, ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng, cần xem xét nhiều yếu tố. Chẳng hạn, với cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tính chu kỳ cao, chu kỳ hiện tại cần được đánh giá kỹ lưỡng, vì nếu chu kỳ ngành đi qua thì cổ phiếu có thể mất nhiều năm để quay trở lại vùng đỉnh cũ và xác lập đỉnh mới. Với cổ phiếu vượt đỉnh vì lợi nhuận đột biến và các thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư cần tìm hiểu xem yếu tố đó có mang lại triển vọng tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp hay không. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý, có cổ phiếu vượt đỉnh không đến từ nội tại doanh nghiệp, mà đến từ xu hướng vận động chung của ngành và thị trường.
“Chỉ khi xem xét cụ thể các cổ phiếu, chúng ta mới có thể đánh giá được dư địa tăng giá của các cổ phiếu này”, ông Khoa nhấn mạnh.
Trên bình diện toàn thị trường, ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi nhìn nhận, đà tăng của thị trường chung và nhiều cổ phiếu dẫn đầu đến nay đã tương đối dài. Do đó, xét về phương diện giao dịch, nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật từ hoạt động chốt lời có khả năng xảy ra như phiên điều chỉnh giảm 20 điểm cuối tuần qua, nhưng những nhịp điều chỉnh là cơ hội gia tăng tỷ trọng với giá hợp lý đối với các mã cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng trong năm 2024. Dư địa tăng của từng nhóm cổ phiếu cần xem xét nhiều yếu tố như kết quả kinh doanh thực tế của năm 2024 mà quý I đóng vai trò quan trọng; tình hình các chính sách vĩ mô và các yếu tố ngành; sự quan tâm, hứng thú của dòng tiền.
Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn còn dư địa khi Việt Nam là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính – chứng khoán, khi hệ thống KRX sắp được đưa vào vận hành, thị trường dần đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Đây là yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành chứng khoán trong dài hạn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn