Bán chui cổ phiếu với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến cổ phiếu FLC, ROS, LDG… trở thành vết sẹo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giải pháp nào để hạn chế tình trạng này đã nhiều lần được đặt ra.
Nỗ lực từ cơ quan quản lý
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 5876/UBCK-VP gửi các công ty chứng khoán triển khai phương án thực hiện kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các công ty chứng khoán triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Căn cứ danh sách người nội bộ, người liên quan do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) gửi, các công ty chứng khoán có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền đến từng nhà đầu tư là người nội bộ, người liên quan mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán hiểu rõ trách nhiệm tuân thủ quy định tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán khi thực hiện giao dịch đối với mã chứng khoán mà mình có liên quan.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước khi thực hiện các giao dịch có giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá.
Thực hiện đầy đủ quy định về giám sát, cảnh báo kiểm soát giao dịch của người nội bộ, người liên quan, công ty chứng khoán rà soát dữ liệu nhận được từ VSDC để phục vụ việc giám sát, cảnh báo nhà đầu tư là người nội bộ, người liên quan, xây dựng cơ chế cảnh báo cho nhà đầu tư là người nội bộ, người liên quan, kiểm soát giao dịch của người nội bộ, người liên quan.
Chỉ cho phép người nội bộ, người liên quan đặt lệnh giao dịch nếu các giao dịch này chưa thuộc mức phải báo cáo, công bố thông tin theo quy định tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC, hoặc người nội bộ, người quản lý đã hoàn tất nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định. Các công ty chứng khoán xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc cảnh báo, kiểm soát giao dịch của người nội bộ, người liên quan theo cơ chế trên, thời hạn hoàn thành 6 tuần, kể từ ngày 28/8/2023. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày 6/10/2023.
Ông Trần Nam Sơn, Giám đốc Pháp chế, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, trước hết, công ty chứng khoán ủng hộ chủ trương siết chặt quản lý, tăng cường giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm của người nội bộ, người liên quan trong giao dịch chứng khoán nhằm củng cố niềm tin và tạo sự minh bạch cho thị trường.
Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều công ty chứng khoán lớn đã thiết lập hàng rào công nghệ để xử lý yêu cầu trên. Đơn cử, tại Công ty Chứng khoán SHS, hệ thống sẽ chặn các giao dịch của người nội bộ, người liên quan nếu chưa công bố thông tin và giá trị giao dịch vượt quy định.
Hệ thống cũng được thiết kế theo hướng, khi người nội bộ, người liên quan đặt lệnh sẽ được cảnh báo giao dịch thuộc diện phải công bố thông tin, nếu vi phạm, nhà đầu tư sẽ bị phạt. Nếu bên đặt lệnh tiếp tục thực hiện giao dịch sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Cần giải pháp đồng bộ
Việc ngăn chặn bán chui cổ phiếu cần giải pháp đồng bộ, nỗ lực từ các bên liên quan, chứ không chỉ trông chờ vào hành động của công ty chứng khoán.
Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn bán chui cổ phiếu cần giải pháp đồng bộ, nỗ lực từ các bên liên quan, chứ không chỉ trông chờ vào hành động của công ty chứng khoán.
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán kể trường hợp xảy ra tại công ty ông. Cổ đông nội bộ của doanh nghiệp mở tài khoản tại công ty chứng khoán này bán ra cổ phiếu nhưng không công bố thông tin. Công ty chứng khoán chặn lệnh, họ đã chuyển sang mở tài khoản tại công ty chứng khoán khác và ung dung bán chui cổ phiếu. Như vậy, những công ty chứng khoán thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật lại bị mất khách hàng. Việc chặn lệnh nếu không được thực hiện đồng bộ tại các công ty chứng khoán sẽ khó có tính khả thi.
Ông Trần Nam Sơn nêu thêm ý kiến: “Chúng tôi nhận thấy cần xem xét rõ hơn về mặt trách nhiệm pháp lý của các bên cũng như tính hiệu quả, khả thi của vấn đề, xin nêu một số khía cạnh cụ thể như sau. Thứ nhất, theo các quy định hiện hành thì người nội bộ, người liên quan là chủ thể có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện báo cáo, công bố thông tin trước và sau khi giao dịch theo quy định. Nội dung này đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định cụ thể tại điểm g Khoản 1 Điều 2, Điều 4, Điều 33 Thông tư 96/2002/TT-BTC. Theo đó, người nội bộ, người liên quan là chủ thể chính và duy nhất phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ nêu trên của mình căn cứ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, các công ty chứng khoán là chủ thể đóng vai trò hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc cung cấp thông tin giúp cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra, kiểm soát giao dịch của người nội bộ, người liên quan cũng như hỗ trợ người nội bộ, người liên quan có tài khoản tại công ty chứng khoán tiếp cận, nắm bắt và hiểu, thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin đã được pháp luật quy định. Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán không và cũng không thể là bên có thể kiểm soát, ngăn chặn giao dịch của người nội bộ, người liên quan khi có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, từ đó không thể liên đới chịu trách nhiệm đối với vi phạm của nhóm đối tượng này (trong một số trường hợp, việc kiểm soát, ngăn chặn giao dịch của công ty chứng khoán chưa đủ cơ sở pháp lý do thiếu quy định rõ ràng của pháp luật).
Thứ ba, việc yêu cầu công ty chứng khoán tự mình xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc cảnh báo, kiểm soát, ngăn chặn giao dịch khi có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của người nội bộ, người liên quan sẽ làm chậm thời gian xử lý đặt lệnh giao dịch chứng khoán cho khách hàng và làm gia tăng chi phí, vượt quá trách nhiệm của công ty chứng khoán”.
Theo ông Sơn, việc kiểm soát giao dịch của người nội bộ, người liên quan nên theo hướng thực hiện tập trung từ VSDC là đơn vị quản lý dữ liệu tập trung về sở hữu cổ phiếu và/hoặc các Sở Giao dịch chứng khoán là đơn vị thực hiện giao dịch có đầy đủ thông tin của nhà đầu tư (nhà đầu tư được mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán nên việc quản lý các giới hạn giao dịch không phải thực hiện công bố thông tin chỉ thực hiện được thông qua tích hợp dữ liệu qua đầu mối Sở Giao dịch chứng khoán và/hoặc VSDC). Trường hợp người nội bộ, người liên quan vi phạm, kết thúc phiên giao dịch có thể xác định được và huỷ giao dịch, cơ quan quản lý có thể yêu cầu phong toả, bán cưỡng chế chứng khoán để thực thi quyết định xử phạt vi phạm.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán khác cũng cho rằng, VSDC là đơn vị nắm dữ liệu nguồn về nhà đầu tư mở tài khoản tại các công ty chứng khoán và nhà đầu tư thuộc diện người nội bộ, người liên quan. Bởi vậy, việc này cần sự sát sao, liên tục cập nhật dữ liệu từ VSDC gửi cho các công ty chứng khoán (dựa trên biến động người nội bộ, người liên quan tại các doanh nghiệp), qua đó công ty chứng khoán mới có thể đưa vào hệ thống xử lý. Cho đến thời điểm này, công ty chứng khoán chưa nhận được dữ liệu đồng bộ từ VSDC.
Xa hơn, việc tuân thủ quy định pháp luật đòi hỏi sự tự giác, hiểu biết của người nội bộ, người liên quan ở các doanh nghiệp niêm yết. Họ phải nắm bắt được quy định pháp luật và chủ động báo cáo với các đơn vị có liên quan. Thực tế, Thông tư số 96/2020/TT-BTC quy định khá rộng các trường hợp thuộc diện người nội bộ, người liên quan mà đôi khi chính người trong cuộc cũng “vô tình” không nắm được.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng bán chui cũng rất cần chế tài xử lý nghiêm khắc như đề nghị của nhiều thành viên thị trường, quyết định hủy bỏ giao dịch và phạt nặng người vi phạm mà cơ quan quản lý áp dụng gần đây.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn