Thêm một lần nữa ngưỡng hỗ trợ 1.020 phát huy tác dụng, trở thành điểm tựa giúp VN-Index bật lên, đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Trong đó, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán khởi sắc, nhưng thanh khoản chung lại sụt giảm trở lại khi nhà đầu tư thận trọng đứng ngoài quan sát.
Thị trường đã có chuỗi giảm dài từ đầu tháng 9 sau khi không thể chinh phục được mức đỉnh của năm ở ngưỡng 1.250 điểm. Dù có những nhịp hồi, nhưng xu hướng giảm điểm đã được xác lập, đẩy VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.030 điểm khi đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 10 (phiên thứ Ba 31/10).
Trong phiên sáng nay, sau nhịp hồi kỹ thuật đầu phiên, VN-Index nhanh chóng quay lại xu thế giảm khi lực cầu yếu, còn lực bán luôn chực chờ mỗi nhịp hồi đẩy VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 1.020 – 1.025 điểm. Tuy nhiên, ở ngưỡng điểm tương ứng với cận dưới của dải bollinger, VN-Index lực cầu gia tăng, trong khi lực cung giá thấp được tiết giảm, giúp thị trường bật hồi trở lại.
Bước vào phiên giao dịch chiều, kịch bản này một lần nữa lặp lại, thậm chí đáy của phiên chiều còn thấp hơn của phiên sáng, nhưng giống như lò xo, đà bật lên của chỉ số cũng mạnh hơn phiên sáng khi đưa VN-Index lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Tuy nhiên, dường như đây chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật thuần túy và chủ yếu do lực cung được tiết giảm, bởi lực cầu khá dè dặt, khiến thanh khoản thị trường lại sụt giảm trở lại.
Chốt phiên, VN-Index tăng 11,47 điểm (+1,12%), lên 1.039,66 điểm với 319 mã tăng và 177 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 679,9 triệu đơn vị, giá trị 13.064,8 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 76,3 triệu đơn vị, giá trị 1.953,7 tỷ đồng.
Các nhóm dẫn dắt đều hồi phục trở lại với sắc xanh chiếm thế áp đảo. Trong đó, nhóm ngân hàng VCB đã có được sắc xanh với mức tăng 1,15% lên 87.800 đồng, trong khi LPB là mã tăng mạnh nhất 3,07% lên 15.100 đồng. Ba mã tăng trên 2% là MSB (+2,86%), SHB (+2,48% lên 10.350 đồng) và STB (+2,41% lên 27.650 đồng). Ngoài VCB, có thêm 2 mã tăng trên 1% là TCB và EIB. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, 3 mã CTG, VPB và BID giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán chỉ có TVS quay đầu giảm nhẹ, còn lại đều tăng, trong đó thậm chí có 3 sắc tím tại CTS lên 20.750 đồng, AGR lên 12.550 đồng và ORS lên 14.400 đồng. Ngoài ra, VCI tăng 6,75% lên 34.800 đồng, HCM tăng 6,56% lên 26.000 đồng, VND tăng 6,44% lên 17.350 đồng, VIX tăng 6,22% lên 12.800 đồng, SSI tăng 5,44% lên 27.150 đồng, các mã còn lại cũng tăng khá mạnh.
Trong đó, VIX, SSI và VND vẫn là 3 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với lần lượt 38,9 triệu đơn vị, 30,98 triệu đơn vị và 24,33 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản cũng đã hồi phục khá tốt, trong đó đáng kể nhất là PDR có lúc giảm kịch sàn trong phiên sáng, đóng cửa phiên chiều ở mức cao nhất ngày 21.000 đồng, tăng 0,24%. Các mã khác như DXG, DIG, NVL cũng hồi phục trở lại, chỉ có “anh cả” VHM vẫn giảm, nhưng mức giảm đã thu hẹp rất nhiều so với phiên sáng khi chỉ mất 1,41% xuống 38.450 đồng, có lúc đã trở lại tham chiếu 39.000 đồng, khớp khá tốt 9,75 triệu đơn vị.
Trong nhóm này DIG, PDR, DXG và NVL là những mã có thanh khoản tốt nhất với 19,77 triệu đơn vị, 18 triệu đơn vị, 15,58 triệu đơn vị và 11,27 triệu đơn vị.
Nhóm thép những mã tăng phiên sáng đều giữ được phong đó, trong đó HPG vươn lên trở thành mã dẫn dắt đà tăng và cả dòng tiền với mức tăng 4,13% lên 23.950 đồng, khớp 19,14 triệu đơn vị.
Trong khi đó, phiên chiều nay lại ghi nhận đà bán mạnh cổ phiếu MWG, trong đó lực cung ngoại khá lớn, khiến mã này bị kéo xuống kịch sàn 35.100 đồng, khớp 21,09 triệu đơn vị, đứng sau 3 mã chứng khoán về thanh khoản.
Trong họ nhà Vin, ngoài VHM, VIC cũng thu hẹp đà giảm chỉ còn mất 0,25%, xuống 40.400 đồng, khớp 4,62 triệu đơn vị, trong khi VRE đảo chiều tăng mạnh 2,25% lên 22.700 đồng, khớp 6,24 triệu đơn vị.
Trên HNX, nhóm chứng khoán cũng nổi sóng với sắc tím tại SHS, VIG, trong khi MBS, IVS, EVS cũng tăng trên 7%, BVS tăng hơn 6%, HBS tăng hơn 4%… Cùng với đó, nhóm bất động sản, dầu khí cũng hoạt động tốt giúp HNX-Index cũng nhảy bật lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa. Tuy nhiên, thanh khoản cũng sụt giảm so với phiên hôm qua.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,48 điểm (+1,69%), lên 209,65 điểm với 100 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,6 triệu đơn vị, giá trị 1.501,9 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 21,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,4 triệu đơn vị, giá trị 61,3 tỷ đồng.
SHS vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất với thanh khoản 47,36 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 14.100 đồng và còn dư mua giá trần. Tiếp đến là CEO khớp 10,76 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,54% lên 20.200 đồng; HUT khớp 5,66 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,42% lên 17.500 đồng; MBS khớp 4,45 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,13% lên 17.300 đồng, PVS tăng 2,42% lên 33.800 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị. Ngoài ra, chỉ có 3 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là TTH, IDC và TNG, trong đó chỉ có IDC tăng nhẹ, còn lại là giảm, nhưng cũng ở mức nhẹ.
UPCoM cũng tiếp bước 2 sàn niêm yết để bứt tốc trong nửa cuối phiên chiều, lên mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,94%), lên 81,7 điểm với 129 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44 triệu đơn vị, giá trị 580,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,5 triệu đơn vị, giá trị 106,3 tỷ đồng.
Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM đều đóng cửa với sắc xanh, nhưng mức tăng không lớn. Trong đó, BSR khớp 7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,69% lên 18.000 đồng; DGT khớp 4,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,04% lên 5.000 đồng; SBS khớp 2,17 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,39% lên 6.100 đồng; AAS khớp 1,99 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,9% lên 8.000 đồng; và VHG khớp 1,91 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4% lên 2.600 đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa tăng thấp hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 11 tăng 7,8 điểm (+0,75%), lên 1.047,5 điểm với 316.750 hợp đồng được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 33.108,5 tỷ đồng; khối lượng mở 55.129 hợp đồng.
Trên thị trường trái phiếu riêng lẻ, hôm nay có giao dịch khá sôi động với 34 mã được giao dịch, tổng khối lượng 16,17 triệu đơn vị, giá trị 3.353,34 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là TLR12302 của Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng với 6.000 đơn vị, giá trị 608,47 tỷ đồng, trong khi VIF12114 của Vinfast là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với 5,09 triệu trái phiếu, giá trị 506,54 tỷ đồng.
Thị trường chứng quyền hôm nay cũng có giao dịch sôi động 16 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chủ yếu do SSI phát hành, cùng một vài mã của HSC, ACBS. Trong đó, khớp lớn nhất là CVPB2307 do SSI phát hành với 5,22 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,69% lên 140 đồng; tiếp đến là CHPG2324 cũng do SSI phát hành với 4,94 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 40% lên 210 đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn