Tuần qua, VN-Index liên tục tăng điểm, tiến gần đến ngưỡng kháng cự 1.160 – 1.170 điểm.
Ngành ngân hàng dẫn dắt
Tuần giao dịch đầu năm 2024, VN-Index tăng hơn 2%, đạt 1.154,68 điểm. Chỉ số nối tiếp đà tăng của tuần giao dịch trước đó, hướng đến kiểm nghiệm vùng 1.160 – 1.170 điểm.
Về phương diện kỹ thuật, 1.160 – 1.170 điểm là vùng kháng cự mạnh trên đà tăng của VN-Index, đây là vùng mà chỉ số chưa vượt qua được từ tháng 9/2023 và có thể xem như đường viền cổ trong mẫu hình 2 đáy. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ chịu áp lực bán tại vùng kháng cự, dù xu hướng tăng vẫn còn mạnh. Dự đoán, chỉ số sẽ có diễn biến giằng co trong tuần này.
Điểm sáng của thị trường là thanh khoản tăng mạnh, đạt trung bình trên 17.000 tỷ đồng/phiên. Lực cầu đến từ nhà đầu tư trong nước và khối tự doanh công ty chứng khoán, khi khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ. Mặt khác, thị trường chung xuất hiện nhóm ngành dẫn dắt là ngân hàng, với đà tăng đồng thuận từ hầu hết các mã trong ngành.
Trong các phiên giao dịch sắp tới, nhóm ngân hàng có thể xuất hiện động thái chốt lời nếu giá tiếp tục tăng. Theo đó, dòng tiền trên thị trường dự kiến sẽ lan tỏa, luân chuyển sang các nhóm khác như chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp.
Áp lực chi phí vốn sẽ giảm
Đà tăng trưởng của ngành ngân hàng chịu áp lực trong năm 2023, khi kinh tế thế giới và trong nước suy yếu. Một số yếu tố về kinh tế – xã hội đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu, chi phí vốn cao, trong khi tăng trưởng tín dụng chưa đạt được mục tiêu. Đồng thời, lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế yếu đã làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng. Mặt khác, tín dụng lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng của toàn ngành đang có dấu hiệu “giậm chân tại chỗ”, dẫn đến bài toán tăng trưởng trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn hiện tại.
Tuy nhiên, có một số thông tin tích cực đối với nhóm ngân hàng, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh doanh của khối ngân hàng trong giai đoạn sắp tới.
Đầu tiên, thay vì cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng theo từng đợt như những năm trước, Ngân hàng Nhà nước định hướng “room” tín dụng năm 2024 là 15% và giao hết hạn mức ngay từ đầu năm. Điều này có thể giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, cũng như không phải lo lắng về vấn đề “cạn room” giữa chừng.
Song song với giao chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn; bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động. Có thể, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ có các chính sách mới trong quản lý hệ thống, giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.
Thứ hai, nhiều khoản tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất cao hơn mặt bằng hiện tại mà các ngân hàng đã huy động được trong giai đoạn đầu năm 2023 sắp đáo hạn. Chi phí vốn thấp hơn có thể giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực về NIM, từ đó linh hoạt hơn trong bài toán về lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, nợ xấu là vấn đề đáng lưu ý. Trong điều kiện kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, tỷ lệ nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng. Hiện tại, Thông tư 02/2023/TT-NHNN giúp giảm bớt áp lực về trích lập dự phòng cho các ngân hàng trong năm 2023 và các ngân hàng có thể linh hoạt hơn trong quản lý chất lượng tài sản. Khi Thông tư 02 đi đến thời hạn cuối cùng, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách mới hỗ trợ các ngân hàng trong vấn đề hạn chế nợ xấu và xử lý nợ xấu.
Trong nửa đầu năm 2024, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, cơ cấu cho vay đa dạng với tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức 11 – 15%, mức tỷ trọng mà chúng tôi cho là “đẹp” ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt nhiều sự chú ý đến các ngân hàng có bộ đệm nợ xấu tốt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có thể giúp ngân hàng giảm bớt áp lực từ nợ xấu đến lợi nhuận trong giai đoạn sắp tới.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn