Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đến ngày công bố thông tin 20/10 được ghi nhận là hơn 192.000 tỷ đồng, giảm gần 22,7% so với cùng kỳ. Ngân hàng vẫn là nhà phát hành chính với tỷ trọng gần 55%.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 20/10/2023, đã có 10 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 8.426 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9.3%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 192.623 tỷ đồng, với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 10.6% tổng giá trị phát hành) và 162 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 172.199 tỷ đồng (chiếm 89.4% tổng số).
So với tháng trước, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự cải thiện, song lũy kế từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 20/10 vẫn sụt giảm so với cùng kỳ.
Phân theo nhóm ngân hàng đang là nhà phát hành lớn nhất với tỷ trọng 54,7%, bất động sản đứng thứ hai với 20,4%.
Trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp vẫn cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn với khối lượng 5.653 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 185.183 tỷ đồng (tăng 16.7% so với cùng kỳ năm 2022).
Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 49% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 90.690 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).
Một lý do nữa khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%. Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5-10 năm.
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 74.847 tỷ đồng. 32% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 23.824 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 22.430 tỷ đồng (chiếm 30%).
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ; khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng. Nếu như quý II/2023, khối lượng phát hành bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/tháng, sang quý III, khối lượng phát hành bình quân khoảng 35.000 tỷ đồng/tháng.
Tính toán của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Bộ này yêu cầu, các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu. Hiện, các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn.
Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án cụ thể. Đó là đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn