Sau 4 phiên giảm liên tiếp với tổng số điểm bị mất tới hơn 88 điểm, thị trường vẫn chưa thể gượng dậy trong phiên sáng nay (27/9) khi lực cầu tỏ ra thận trọng, trong khi lực bán vẫn luôn chực chờ.
Sau khi có những phiên giao dịch khởi sắc sau khi nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhưng không thể vượt qua được đỉnh cũ của năm xác lập đầu tháng 8, thị trường đã quay đầu điều chỉnh và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ ngắn và trung hạn.
Dù không quá hoảng loạn như phiên 18/8, nhưng từ giữa tháng 9 tới nay, thị trường cũng chứng kiến nhiều phiên khiến nhà đầu tư giật mình, đặc biệt là 2 phiên cuối tuần trước và 2 phiên đầu tuần này khi VN-Index mất tới hơn 88 điểm sau 4 phiên giảm, trong đó có phiên đầu tuần này (25/9) với hàng loạt mã giảm sàn.
Sau khi tạo gap giảm cuối tuần trước, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ hồi trở lại trong đầu tuần này để lấp gap, nhưng điều đó đã không xảy ra, thậm chí phiên đầu tuần còn khiến nhà đầu tư mường tượng tới phiên khủng hoảng 18/8.
Trong phiên hôm qua (26/9), dù nỗ lực hồi trở lại, nhưng trước áp lực bán còn rất mạnh, VN-Index đã thêm một lần lao mạnh cuối phiên với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.
Và mỗi khi thị trường giảm mạnh, nhiều người lại tìm một cái cớ để đổ và trong lần giảm này, “cái cớ” chính là Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ 1/9, có nội dung được trích dẫn là “Các ngân hàng không được cho vay với mục đích gửi tiền trở lại ngân hàng”, trong đó thuật ngữ “tiền gửi”, được suy là bao gồm cả Giấy chứng chỉ tiền gửi. . Các nhà đầu tư lo ngại, điều này sẽ giảm nguồn tài trợ của các ngân hàng cho công ty chứng khoán và/hoặc ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, dù có bao hàm cả Giấy chứng chỉ tiền gửi, thì Thông tư 06 cũng đã được ban hành từ 28/6/2023, tức là đã gần 3 tháng trước và cũng đã có hiệu lực gần 1 tháng. Ngay khi Thông tư 06 được ban hành, thị trường chứng khoán vẫn băng băng tiến lên là liên tục thiết lập các đỉnh cao mới của năm, mà gần như không ai để ý tới tác động (tiêu cực) của nó tới thị trường chứng khoán, ngoại trừ các doanh nghiệp bất động sản có kiến nghị về một số nội dung có thể tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Do đó, việc thị trường lao dốc mạnh trong những phiên gần đây khó có thể “đổ hết tội” cho Thông tư 06, mà còn do nhiều lý do khác, trong đó có những lý do mà nhà đầu tư lớn nhiều khả năng nắm rõ!?
Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, cũng giống như phiên sáng qua, sau đà giảm mạnh của các phiên trước đó, thị trường đã bật dậy trên nền giá thấp. Tuy nhiên, lực cầu thận trọng, trong khi lực bán luôn chực chờ mỗi lúc thị trường hồi khiến đà hồi không vững, khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu, thanh khoản cũng thấp hơn các phiên gần đây. Trên bảng điện tử, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế so với sắc xanh, nhưng nhờ một số mã lớn còn giữ được đà tăng nhẹ như VCB, BID, VRE, SSI, MSN, MBB nên VN-Index không giảm sâu.
Sau phần lớn thời gian lình xình, lực bán cuối phiên bất ngờ được đẩy mạnh, khiến VN-Index cắm đầu đi xuống, xuyên thủng mốc 1.130 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng bắt đầu nhập cuộc giúp thị trường hãm đà rơi và VN-Index giữ được mốc điểm này trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 6,94 điểm (-0,61%), xuống 1.131,02 điểm với 67 mã tăng, trong khi có tới 417 mã giảm. Tuy nhiên, số mã giảm sàn rất ít, chỉ 3 mã, trong khi có 2 mã tăng trần. Tổng khối lượng giao dịch đạt 404,6 triệu đơn vị, giá trị 8.370,5 tỷ đồng, giảm hơn 18% cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,6 triệu đơn vị, giá trị 941,8 tỷ đồng.
Thị trường hãm đà giảm là nhờ sự hỗ trợ rất đắc lực của VCB khi mã vốn hóa lớn nhất thị trường này tăng 1,4% lên 88.200 đồng, mức tăng cao nhất nhóm VN30. Ngoài ra, còn kể đến một số sự hỗ trợ khác, dù không lớn như SSI, tăng 1,3% lên 31.300 đồng, VJC tăng 0,4%, HPG tăng 0,4%, MBB, SSB và BID có sắc xanh nhạt.
Trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay chỉ có 2 sắc xanh tại SSI và HPG, cùng VND đứng giá, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, 3 mã có thanh khoản tốt nhất là VIX với 18,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,5% xuống 15.000 đồng; NVL với 14,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3% xuống 14.700 đồng; và GEX với 12,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,8% xuống 18.850 đồng.
Ngoại trừ nhóm chứng khoán có vẻ cân bằng, đa số các mã khác, sắc đỏ đều chiếm ưu tế. Trong nhóm chứng khoán, FTS là mã tăng mạnh nhất với 3,2% lên 38.800 đồng, còn giảm mạnh nhất là VIX. Trong khi nhóm ngân hàng, VCB tăng mạnh nhất, còn giảm mạnh nhất là OCB khi giảm 1,9% xuống 13.200 đồng.
Sàn HNX phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh, nhưng ảnh hưởng từ đà bán mạnh của HOSE, nên HNX cũng quay đầu giảm trong ít phút cuối phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,89 điểm (+0,39%), xuống 228,86 điểm với 29 mã tăng, trong khi có 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,9 triệu đơn vị, giá trị 785,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trái ngược với sàn HOSE, các mã thuộc top 10 thanh khoản trên sàn HNX ngoại trừ CEO giảm và IDC đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, SHS là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 16.700 đồng; tiếp đến là HUT với 4,29 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,8% lên 21.900 đồng.
UPCoM sáng nay chỉ chớm xanh trong ít phút ngắn ngủi đầu phiên sau đó quay đầu đi xuống và hạ dần đều, đóng cửa giảm mạnh hơn 2 sàn niêm yết, dù thoát mức thấp nhất phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,3 điểm (-1,46%), xuống 87,13 điểm với 61 mã tăng và 173 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,9 triệu đơn vị, giá trị 340 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 20,4 tỷ đồng.
Trên thị trường này có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sáng nay và đều giảm giá khi đóng cửa, trong đó có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là BSR (2,63 triệu đơn vị), đóng cửa giảm 1% xuống 20.600 đồng và CEN (2,26 triệu đơn vị), đóng cửa ở mức sàn 7.500 đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn