TP.HCM đầu tư lớn cho du lịch toàn tuyến sông Sài Gòn
Vietstock – TP.HCM đầu tư lớn cho du lịch toàn tuyến sông Sài Gòn
TP.HCM lên kế hoạch phát triển du lịch đường thủy theo hướng đến năm 2025 sẽ được khai thác tất cả tuyến sông Sài Gòn, liên kết Đông Nam Bộ, miền Tây.
Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng UBND TP về dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025 với việc khai thác các tuyến du lịch đường thủy cả nội đô và đường biển.
“Đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu) liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông” – kế hoạch của Sở Du lịch TP nêu.
Khai thác 10 chương trình trên nhiều tuyến sông
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch TP luôn xác định phát triển du lịch đường thủy là nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030.
500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỉ đồng/năm. (Theo kế hoạch của Sở Du lịch TP.HCM) |
“Đây là sản phẩm du lịch được đánh giá có sức hấp dẫn và tiềm năng lớn, có giá trị cạnh tranh cao không chỉ trong nước và cả quốc tế. Ngoài tiếp tục cùng các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy như tour Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì ngành du lịch còn hoàn thiện các dịch vụ tăng giá trị trải nghiệm” – ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, sắp tới TP sẽ có các dịch vụ thưởng ngoạn trên sông kết hợp thưởng thức ẩm thực trên tàu nhà hàng, du thuyền, hoạt động trải nghiệm gắn với thể thao như chèo SUP; tour ngắm du thuyền cho khách tầm trung và cao cấp, sản phẩm liên kết bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đến Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang…
“Khai thác tuyến đường sông chắc chắn sẽ là điểm nhấn quan trọng, sản phẩm du lịch đặc trưng của TP nếu được đầu tư và khai thác một cách có hiệu quả năm 2023” – ông Hòa nói.
Mở mới nhiều tuyến du lịch trên sông
Theo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025, Sở Du lịch đề ra hai giai đoạn phát triển từ năm nay đến 2024 và 2024-2025.
Cụ thể, giai đoạn 2023-2024 sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến du lịch đi Bình Quới hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – bến Khu du lịch Bình Quới, tuyến đi Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ. Sở Du lịch cũng sẽ “làm mới” tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè (hướng tuyến từ bến Thị Nghè trở về phía thượng lưu đến bến chùa Candaransi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và ngược lại).
Trên tuyến quan trọng này, cơ quan chức năng sẽ đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí trên mặt nước như chèo SUP – thuyền kayak, các hoạt động team building, kết hợp với một số hoạt động mang tính lễ hội để thu hút du khách đến bến, từ đó kết hợp quảng bá, tăng mức độ quan tâm đến du lịch đường thủy.
Một số hoạt động gợi ý (đã được thực hiện trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hoặc một số nơi khác trong nước): Thả hoa đăng, đua thuyền, sân khấu dưới nước, tái hiện chợ nổi… Kết hợp với phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) tham quan, ăn uống, giải trí nên cần đầu tư xây dựng một bến thủy nội địa gần khu vực này để tăng tính kết nối.
Giai đoạn 2024-2025 sẽ tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông (phát triển cốt truyện quan trọng cho du lịch trên sông, ví dụ tái hiện chợ nổi trên sông tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần vì khu vực này đang tồn tại 3-5 thuyền mua bán hàng hóa trên sông hiện tại).
Theo kế hoạch Phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025 TP sẽ khai thác các tuyến du lịch đường thủy cả nội đô và đường biển. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
“Xây dựng các mô hình phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn, như loại hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, Cần Giờ (50-200 phòng), tàu gỗ nhỏ vừa vận chuyển 10-50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ, kênh kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến” – kế hoạch của sở nêu.
Giai đoạn này sẽ đầu tư các tuyến mới như tuyến đi quận 7 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đỉa) với chương trình trải nghiệm dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như chèo thuyền kayak, ca nô kéo… Hay tuyến du lịch mới liên quận 1, 4, 5, 6 và 8 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi đến đình Bình Đông).
TP Thủ Đức cũng sẽ có du lịch đường sông mới là hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – rạch Chiếc – rạch Ông Nhiêu – sông Tắc – sông Đồng Nai – đền chùa Hội Sơn.
TP cũng lên kế hoạch mở mới nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa (là các chương trình du lịch từ TP.HCM đi các tỉnh trong khu vực với chiều dài lớn hơn 60 km. Cụ thể, sẽ có tuyến đường thủy xuất phát từ khu vực trung tâm TP như cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống… đi các tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Tuyến xa thường phục vụ khách nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, tâm linh…
Bốn mục tiêu của du lịch đường thủy TP.HCM
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa, tuyến du lịch đường sông tại TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi, khá sôi nổi nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác du lịch đường thủy còn hạn chế. Theo thống kê, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia khai thác các tuyến du lịch đường thủy. Một số điểm đến hạn chế về cầu tàu bến đỗ, giao thông kết nối giữa đường thủy và đường bộ còn hạn chế.
“Chúng tôi xác định bốn mục tiêu. Đầu tiên, giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt. Theo đó, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy đến năm 2025 đạt 150 ca nô, 250 tàu thuyền và du thuyền các loại.
Thứ hai, chất lượng dịch vụ du lịch và chính sách về giá cho các chương trình du lịch đường thủy đang khai thác được nâng cao. Thứ ba, thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Cuối cùng, nâng cao cả chất và lượng về đa dạng hóa các loại phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch, về đội ngũ thuyền viên” – ông Hòa nói.
Để hồi sinh các tour, tuyến du lịch đường sông trong thời gian tới, Sở Du lịch ưu tiên cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như sản phẩm nội đô, sản phẩm liên kết TP.HCM với Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Chú trọng đầu tư, nâng chất các sản phẩm du lịch đường sông theo các nhóm: Sản phẩm du lịch tầm ngắn (tuyến nội đô có bán kính dưới 10 km), sản phẩm du lịch tầm trung (tuyến nội đô có bán kính dưới 10-60 km) và các sản phẩm du lịch tầm xa (chương trình liên kết TP.HCM với các tỉnh).
Tiếp đến là xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy và bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS. Nghiên cứu bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy.
Sở Du lịch còn đề xuất xã hội hóa đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông; tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông, có chính sách hỗ trợ các nhà điều hành tour du lịch sông nước. TP tiếp tục đầu tư du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng tiêu chuẩn 4-5 sao và phát triển thêm loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn.
Mở thêm nhiều tuyến du lịch đường thủy mới Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện TP có kế hoạch mở các tuyến du lịch đường thủy TP trong thời gian tới như tuyến TP.HCM – Côn Đảo, Bạch Đằng – Tiền Giang, Bạch Đằng – Bến Tre. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các tuyến giao thông đường thủy nói trên. Hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm, song các đơn vị vẫn còn khảo sát chi phí, tuyến, giá vé mới quyết định khai thác tuyến đó hay không. Trong khi đó, một số địa phương vẫn chưa có hạ tầng cầu cảng, luồng tuyến. Đồng thời, các địa phương cũng đang tích cực mời gọi đầu tư để cùng khai thác các tuyến giao thông thủy. Hy vọng trong năm 2023, các địa phương có thể thúc đẩy để đưa ba tuyến đường thủy trên đi vào hoạt động. Theo ông An, việc kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông đường thủy, phát triển du lịch đường thủy liên kết vùng cần cả một quá trình dài. Theo đó, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách, tiện ích hoặc các sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp vào khai thác và người dân yêu thích các sản phẩm này. Phát triển vận tải hành khách du lịch bằng đường thủy hiện tại cũng đang gặp khó khăn trong công tác quy hoạch bến thủy nội địa. Nhiều bến thủy chưa thể xây dựng vì còn vướng quy hoạch nên đến nay vẫn chưa thể khai thác thế mạnh của giao thông thủy. Cụ thể như tuyến sông số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông), với chín bến, hoạt động từ năm 2017 đến nay, song vẫn còn bốn bến chưa xây dựng được. Nguyên nhân là do chưa được giao thuê đất. Chính vì vậy, giải pháp đặt ra là các quận, huyện cần sớm điều chỉnh bổ sung quy hoạch, sớm làm các thủ tục giao thuê đất để doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng. Sở GTVT TP cũng kiến nghị UBND TP giao Sở TN&MT hướng dẫn, xem xét và giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo đề nghị của nhà đầu tư khi có nhu cầu đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hàng hóa, hành khách. Bên cạnh đó, đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đường thủy, các dự án cầu vượt sông, nạo vét đường thủy… tạo động lực phát triển vận tải hành khách và du lịch đường thủy. ĐÀO TRANG |
Theo investing.com