Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, tiêu chí cơ bản trong việc phân bổ danh mục là doanh nghiệp tăng trưởng và/hoặc trả cổ tức bằng tiền đều đặn, hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm đang được nhà đầu tư chú trọng hơn.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã chứng khoán VEA) chuẩn bị chi trả gần 5.600 tỷ đồng cổ tức (tỷ lệ gần 42%, tương đương 1 cổ phiếu nhận được gần 4.200 đồng). Trong đó, cổ đông nhà nước (Bộ Công thương) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 1,18 triệu cổ phiếu, tương ứng 88,47% vốn, dự tính sẽ thu về 4.920 tỷ đồng cổ tức từ VEAM.
Thực tế, những năm qua, VEAM chia cổ tức đều đặn ở mức cao, nhờ nguồn lợi nhuận ổn định từ nhóm công ty liên doanh, liên kết, đặc biệt là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Vì thế, VEAM được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn trong các năm tới.
“Cuối quý III/2023, VEAM có hơn 18.480 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng, mang về khoản doanh thu tài chính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu thấp (hơn 6%), không có nợ vay dài hạn, chỉ có nợ ngắn hạn hơn 750 tỷ đồng… Các chỉ số cho thấy, doanh nghiệp có dòng tiền dồi dào, khá an toàn, việc có cổ phiếu VEA trong danh mục để nhận cổ tức hàng năm khá hợp lý”, một nhóm nhà đầu tư thảo luận về việc chọn cổ phiếu trong tuần qua.
Các nhà đầu tư trong nhóm cho rằng, những lúc thị trường biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, hoạt động kinh doanh cầm chừng, thì chọn được cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần quan trọng trong tổng lợi nhuận đầu tư. Dĩ nhiên, đó phải là cổ phiếu của doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức ổn định, định giá hợp lý, giá trị sổ sách cao và có triển vọng tăng trưởng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CAV của Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) được ví như “gà đẻ trứng vàng” cho Công ty cổ phần Điện lực Gelex (Gelex, mã chứng khoán GEE), khi liên tục chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức với tỷ lệ cao. Vừa qua, Cadivi chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2023, tỷ lệ 20%, tương đương chi gần 115 tỷ đồng. Trước đó, CAV tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 40%. Trong cơ cấu sở hữu của Cadivi, Gelex nắm giữ hơn 55,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 96,27% vốn. Với tỷ lệ này, Gelex ước tính nhận về 111 tỷ đồng cổ tức đợt 2/2023 và tính đến thời điểm này của năm 2023 đã nhận 333 tỷ đồng cổ tức từ Cadivi.
Không ít doanh nghiệp khác có lịch sử trả cổ tức tiền mặt cao như các mã chứng khoán SCS, THG, BMP, PPC, BAX, VNM, DSN, SLS, CAP, DCM, DPM, NCT…
Tỷ lệ cổ tức của NCT năm 2018 là 90%, năm 2019 là 50%, năm 2020 là 115%, năm 2021 là 65%, năm 2022 là 85%. Mới đây, doanh nghiệp này chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2023, tỷ lệ 30%, trong đó cổ đông lớn nhất là Vietnam Airlines sở hữu 14,4 triệu cổ phiếu, ước tính nhận về hơn 43 tỷ đồng.
Nhà đầu tư Hoàng Dũng cho biết, anh luôn phân bổ trong danh mục các cổ phiếu phòng thủ (như dược phẩm – có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, cổ tức đều), cổ phiếu có lịch sử chia cổ tức cao. Một số doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu do nhu cầu đầu tư mở rộng, nhưng sau đó quay trở lại chính sách cổ tức tiền mặt cao vẫn được anh lựa chọn.
Nhóm nhà đầu tư của anh Dũng chia sẻ quan điểm, việc các doanh nghiệp chi trả cổ tức thể hiện sự “fair” (công bằng) với nhà đầu tư. Tỷ suất cổ tức nhỉnh hơn lãi suất gửi ngân hàng là tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư này quyết định đi đường dài cùng doanh nghiệp.
Diễn biến giá ở nhóm cổ phiếu phòng thủ trong giai đoạn thị trường biến động vừa qua càng khiến nhiều nhà đầu tư nhìn nhận rõ hơn “lợi ích” của nhóm này trong danh mục. Điển hình là các cổ phiếu dược như DHG, DBD, IMP, DP3, DHT… có sức chống chịu tốt so với thị trường chung. Sức đề kháng của nhóm cổ phiếu dược dựa trên nền tảng cơ bản vững chắc với hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh chung.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn