Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư         Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

Thủy điện sẽ nhường dư địa huy động cho nhiệt điện?

Thủy điện sẽ nhường dư địa huy động cho nhiệt điện?
© Reuters.

Theo Lan Nha

Hocviendautu.edu.vn – Trong năm 2023, dự đoán mức tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ vào khoảng 4,5-5,0%, tương đồng với kịch bản cơ sở tăng trưởng GDP năm sau ở mức 4,7% do triển vọng sản xuất công nghiệp và xây dựng trong nước vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, theo báo cáo từ VDSC.

Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 8/2023, El Nino sẽ quay trở lại, các đợt nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đỉnh điểm của đợt El Nino lần này được dự báo sẽ diễn ra từ tháng 11/2023 – 1/2024.

Do đó, VDSC dự đoán trong các nhóm nguồn phát điện, thủy điện sẽ giảm lợi thế hơn và nhường dư địa huy động cho nhóm nhiệt điện.

Nhóm thủy điện đã ghi nhận tăng trưởng mạnh và đóng góp tỷ lệ cao vào lưới điện quốc gia từ nửa sau năm 2020 đến nay nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi (gần 3 năm liên tiếp La Nina).

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023, VDSC kỳ vọng các nhóm điện còn lại, đặc biệt là nhiệt điện sẽ được nâng cao tỷ lệ huy động khi thủy điện ra khỏi pha thuận lợi.

Tuy vậy, với kịch bản huy động cho nhóm nhiệt điện tăng và nguyên liệu đầu vào vẫn chưa hạ nhiệt đáng kể (đặc biệt là nguyên liệu than đầu vào), các chuyên gia phân tích dự đoán rằng trong năm 2023, giá trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

Trong 7 tháng đầu năm, mức giá CGM trung bình (FMP) đã tăng mạnh, trung bình đạt 1.722 đồng/kWh (tăng 21% so với cùng kỳ năm trước) do giá nguyên liệu đầu vào của nhóm nhiệt điện vẫn giữ ở mức cao.

Đầu tháng 7 năm nay, khi khu vực miền Bắc đã bước vào giai đoạn có mưa lũ, hầu hết các hồ thủy điện lớn đủ nước để phát điện. EVN đã yêu cầu các nhà máy thủy điện miền Bắc cần phải được điều chỉnh huy động cao, vừa để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc, đồng thời hạ dần mực nước hồ để tạo dung tích đón lũ, phòng lũ theo quy định.

Mặc dù vậy, để đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian tới, đồng thời dự phòng cho tình huống nắng nóng cực đoan bất thường, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vẫn đề nghị các đơn vị vận hành nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí phải đảm bảo khả dụng tổ máy và sẵn sàng nhiên liệu để đảm bảo đáp ứng khi hệ thống có nhu cầu huy động.

Thống kê từ EVN cho thấy, lũy kế 8 tháng năm 2023, tổng sản lượng toàn hệ thống đạt 186,3 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ huy động từ nhiệt điện than là 88,08 tỷ kWh, chiếm 47,3%; thủy điện là 48,45 tỷ kWh, chiếm 26%.

Liên quan tới tình hình cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ đã đưa ra 2 kịch bản trên cơ sở tính toán cân đối cung – cầu và nhu cầu tăng trưởng điện có thể đạt 8,96% vào năm sau.

Trong trường hợp khi nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng điện cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, công suất dự phòng tại miền Bắc thấp, trong khi nhu cầu sử dụng tại khu vực này cao nên vẫn phải đối mặt tình trạng căng thẳng, thiếu điện ở một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.

Còn trong tình huống cực đoan khi nước về các hồ thủy điện thấp, có thể giống như tình hình xảy ra trong mùa nắng nóng 2023, lúc này, việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc sẽ khó khăn hơn và có thể thiếu công suất 420 – 1.770 MW trong một số giờ cao điểm tháng 6 và 7. Mức thiếu điện bằng khoảng 1/3 mức thiếu năm nay.

Để ứng phó với tình huống thiếu điện, Bộ Công Thương cho biết đã giao EVN tập trung đảm bảo độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy phát điện trực thuộc; hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc.

Theo investing.com 


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO