Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Băn khoăn quy định cách định giá đất

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, luật cần quy định cụ thể về giá đất từ nguyên tắc đến phương pháp xác định để Quốc hội cho ý kiến

Ngày 9-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dự án luật này rất quan trọng, nếu được QH thông qua sẽ góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Giá đất phải quy định rõ

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết 18 của trung ương về chính sách phát triển đất đai yêu cầu có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, khi đọc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì đại biểu (ĐB) khó thảo luận bởi chỉ ghi sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì khó nhất là tài chính đất đai, còn trong tài chính đất đai thì khó nhất chính là giá đất. Vì vậy, theo Chủ tịch QH, luật cần quy định cụ thể về giá đất từ nguyên tắc đến phương pháp xác định để QH cho ý kiến.

Chủ tịch QH nêu dẫn chứng trong dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thành phố kiên trì đề xuất áp dụng phương pháp hệ số K để minh bạch và dễ thực hiện. TP HCM đã áp dụng phương pháp này từ lâu. Khi đó, nhà đầu tư sẽ biết chi phí đầu vào cần trả một lần và hằng năm trong phương án tài chính, đồng thời cơ quan chức năng dễ áp dụng. Việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu, do yêu cầu thực tiễn song phải quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chế tài để giám sát, tránh tùy tiện. Đây là lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, khiếu kiện.

“Nếu để Chính phủ quy định cụ thể giá đất thì sao QH có thể yên tâm thông qua. Đề nghị Ban Soạn thảo đưa nội dung về nguyên tắc, phương pháp xác định. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ đưa vào dự thảo luật, không sợ dài, quy định rõ nguyên tắc, phương pháp. Trí tuệ của toàn dân, QH và cả xã hội chắc chắn đóng góp tốt hơn” – Chủ tịch QH nêu rõ.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, cho rằng việc quy định quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách nhà nước là không ổn, cần xem xét lại. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết phân tích nguyên tắc khi xác định giá đất cần bảo đảm lợi ích các bên liên quan, đặc biệt là lợi ích của người đang được công nhận quyền sở hữu, sử dụng đất. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết ủng hộ phương án phải có bảng giá đất, vì bảng giá đất là cơ sở để tính tiền sử dụng đất, tính thuế, cơ sở cho việc bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất và thậm chí là cơ sở cho việc đấu giá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc định giá đất là vấn đề khó, phải cân đối, cần có công cụ của nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất để triển khai các dự án. Không lượng hóa ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến sai.

Băn khoăn quy định cách định giá đất - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)Ảnh: TTXVN

Phân cấp, phân quyền triệt để

Bày tỏ tán thành với ý kiến của ĐBQH cho rằng cần rà soát lại các quy định liên quan phân cấp, phân quyền, bởi thực tế đang rất vướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay quy trình nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội. “Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật thì Chính phủ, Thủ tướng mới làm được. Việc này phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát có khi lại đi chệch hướng, không đi đúng mục tiêu” – Thủ tướng nói.

Nêu quan điểm phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, Thủ tướng dẫn chứng một số tỉnh, thành phố khi được xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đều đề xuất việc phân cấp, chứng tỏ đây là vướng mắc từ thực tiễn chứ không còn là cơ chế ưu đãi. Có nhiều vấn đề cần tháo gỡ để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm đi lại và những chi phí không cần thiết cho người dân. Việc kéo dài làm mất chi phí, mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp, do đó cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, trong chương thu hồi đất sẽ không tìm thấy nội dung thu hồi đất phục vụ xây nhà ở thương mại ở đâu. Nội dung này được dẫn chiếu sang quy định tại điều 112 về nhà ở thương mại. Ủy ban Kinh tế cũng đã nhìn thấy điều này và đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng ngay tại điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Ở đây có phải “né” Nghị quyết 18-NQ/TW là nếu xây nhà ở thương mại thì phải thỏa thuận hay không?” – ĐB Nghĩa đặt vấn đề.

Tương tự, trong việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong nhiều trường hợp vẫn có yếu tố lợi ích tư nhân “nhảy vào”. ĐB Nghĩa khẳng định nếu thuần túy chỉ thu hồi đất phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng sẽ không có người dân nào thắc mắc mà thắc mắc chỉ có khi xuất hiện những lợi ích đan xen. Lợi ích đan xen là điều không tránh được khi kêu gọi đầu tư xã hội và cần xử lý một cách thỏa đáng.

Hôm nay, 10-6, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án Luật Viễn thông; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Chú trọng phát triển không gian ngầm

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng không gian ngầm sẽ là không gian phát triển mới của TP HCM trong thời gian tới. Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu trong tổ TP HCM nghiên cứu, góp ý đưa các nội dung về không gian ngầm vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này để làm cơ sở pháp lý cho không chỉ riêng TP HCM mà còn cho Hà Nội và các thành phố lớn khác phát triển không gian ngầm. Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, cuối năm nay TP HCM sẽ khánh thành tuyến metro số 1, từ đó sẽ hình thành dọc tuyến metro một không gian ngầm rất lớn. Vì vậy, việc tạo khuôn khổ pháp lý là rất cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội: Giao Chính phủ quy định giá đất trong Nghị định thì “làm sao Quốc hội yên tâm thông qua” luật

Theo Cafef


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO