Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Bất ngờ khi khách Campuchia nằm trong nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách Campuchia vào Việt Nam đạt hơn 96.000 lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2019.

Khách Campuchia đến Việt Nam ngày càng đông

Số lượt khách Campuchia vào Việt Nam đang xuất hiện vị trí cao trong thống kê ngành du lịch. Nếu như trước đây khách Campuchia qua Việt Nam chủ yếu để chữa bệnh thì thời gian gần đây dòng khách trung lưu, ưa thích đi du lịch ngày càng nhiều.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách Campuchia vào Việt Nam đạt hơn 96.000 lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2019. Campuchia nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Năm 2022, Campuchia đứng vị trí thứ 4 trong số các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, với gần 200.000 lượt. Như vậy có thể thấy, khách du lịch từ Campuchia đang xuất hiện ở vị trí cao trong các thị trường khách quốc tế vào Việt Nam.

Đặc biệt, thống kê cũng cho thấy tại các địa phương có đường biên giới giáp ranh Campuchia như Tây Ninh, Kiên Giang, khách từ quốc gia này được coi là nhóm khách truyền thống. Mỗi dịp lễ Tết, lượng khách này đổ sang các tỉnh này vui chơi, tham quan, viếng chùa rất đông.

Xét về thói quen của du khách Campuchia đến Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây có thể chia dòng khách này thành ba nhóm. Nhóm một là luồng khách từ các tỉnh giáp biên, vào các dịp lễ hội, ngày cuối tuần thường sang Tây Ninh, Kiên Giang lễ chùa, vui chơi, mua sắm. Nhóm thứ hai là những khách du lịch dài ngày, họ sang các tỉnh giáp biên giới rồi di chuyển xuống miền Tây, đi TP.HCM, Đà Lạt, hoặc đi trải nghiệm các tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Luồng khách thứ ba là khách nhà giàu ở các tỉnh, thành phố lớn như Phnom Penh, Sihanoukville, Siem Reap… thường là những gia đình có tiền để đi du lịch, sẵn sàng chi tiêu mạnh tay. Các Công ty lữ hành đánh giá nhóm khách nhà giàu Campuchia này đến Việt Nam đang tăng rất nhanh. Khách Campuchia rất thích đến những điểm du lịch, khu du lịch giải trí sôi động. Thời gian qua khách Campuchia đi Đà Lạt – Nha Trang thời gian 6 ngày 5 đêm rất nhiều, các tour như Hà Nội – Sa Pa – Hạ Long… cũng đang rất hút khách.

Ngoài 3 luồng khách này, nhiều khách Campuchia sang Việt Nam với mục đích khám chữa bệnh nhưng sau đó, nhu cầu đi du lịch, thăm thú của nhóm khách này vẫn có.

Chia sẻ trên truyền thông ông Thạch Sarame, Tổng Giám đốc Việt Tourism: “Chúng ta vẫn hay nghĩ thị trường Campuchia chi tiêu thấp, nhưng không phải. Khách du lịch Campuchia chi tiêu ở mức khá tốt. Ví dụ 1 tour từ Campuchia đi Hà Nội – Hạ Long tổng chi phí có thể lên tới 800-900 USD/người, thì đó không phải là thấp. Khách Campuchia đi Việt Nam chi phí có thể tương đương với chi phí tour đi Hàn Quốc. Khách Campuchia đi Phú Quốc qua đường cửa khẩu Hà Tiên cũng rất nhiều, mỗi đoàn có khi chi 300-400 người, ở ít nhất 3 ngày”.

Nhiều địa phương đẩy mạnh đón thị trường khách giàu tiềm năng

Số lượng khách Campuchia đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, mức chi tiêu ngày càng tăng, song việc xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Campuchia cũng như việc liên kết để tạo nên đa dạng sản phẩm du lịch thu hút thị trường khách này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có nhiều doanh nghiệp lữ hành đặt trọng tâm vào thị trường khách giàu tiềm năng này.

Hiện mới chỉ có Tây Ninh sốt sắng trong việc mở rộng du lịch đường bộ đón khách Campuchia. Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, số lượng khách nhập cảnh từ Campuchia đến Tây Ninh với mục đích du lịch từ 2018 đến nay, dù từ năm 2020 – 2022 giảm mạnh do dịch, vẫn đạt khoảng 2,1 triệu lượt người. Trong quý 1-2023 đã tăng trưởng trở lại. Sở này cho hay, nhận thấy tiềm năng, ngay từ giữa năm 2022, Sở đã tổ chức chương trình xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường du lịch Tây Ninh với các tỉnh thành có du lịch phát triển tại Campuchia.

Còn về phía các đơn vị lữ hành, đại diện một Công ty du lịch cho biết, trước đây có nhiều đơn vị tổ chức tour cho khách Campuchia nhưng không duy trì được lâu. Sau dịch, xu hướng và nhu cầu của khách Campuchia đã có nhiều thay đổi, họ rất thích Việt Nam vì có biển đẹp, đồ ăn ngon.

“Tôi cho rằng, dựa vào những lợi thế này, các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể phát triển các tour chuyên nghiệp, kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chữa lành, trị liệu… Ngoài ra, các tour caravan, tuyến lái xe xuyên biên giới cũng đang hấp dẫn du khách hai nước”, vị này cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong lúc du lịch Việt Nam đang dồn sức để hút khách quốc tế, phục hồi du lịch, cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo sản phẩm tốt để thu hút khách ở tác thị trường tiềm năng, trọng điểm. Với chiều hướng ngày càng gia tăng về số lượng, chất lượng, khả năng chi tiêu, lưu trú…, rõ ràng Campuchia đang là thị trường giàu tiềm năng cần được chú trọng khai thác.

Những điểm đến biên giới hấp dẫn như Tây Ninh, Kiên Giang… cũng cần quảng bá nhiều hơn, xúc tiến du lịch nhiều hơn tới thị trường Campuchia. Cần cho khách Campuchia thấy tỉnh Tây Ninh có những gì đáng đến, đáng trải nghiệm? Bởi, theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, khách Campuchia không có nhiều thông tin về du lịch ở Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải loay hoay tự tìm cách quảng bá là chính.

Bên cạnh công tác quảng bá, giải pháp đặc biệt quan trọng để hút khách Campuchia là sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để tạo nên những sản phẩm du lịch liên vùng, liên tỉnh hấp dẫn, kết nối du lịch tâm linh (Tây Ninh) với du lịch chữa bệnh (TPHCM), du lịch nghỉ dưỡng biển (Phú Quốc, Vũng Tàu), du lịch sông nước Nam Bộ… Đồng thời, các địa phương không chỉ “bắt tay” để liên kết du lịch, mà còn phải tự nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú và nhà hàng, dịch vụ, đào tạo nhân viên du lịch để đáp ứng được những đoàn khách lớn, số lượng đông. Chỉ có vậy, mới tiếp tục thu hút khách Campuchia đến Việt Nam nhiều hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu cao hơn. Hơn nữa, do chủ yếu đi bằng đường bộ, nên cần rà soát để tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh đưa người, phương tiện qua các cửa khẩu biên giới hai quốc gia.

Rõ ràng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, thu hút mạnh mẽ khách quốc tế, không thể chỉ quan tâm tới khách đi máy bay, mà còn phải hút khách “láng giềng” qua hệ thống cửa khẩu biên giới. Với lượng khách quốc tế đến Campuchia ngày càng đông, có thể nghiên cứu tạo ra những tour du lịch đưa khách quốc tế đến Campuchia rồi sang Việt Nam, tương tự như các tour rất hot Malaysia – Singapore và ngược lại…

Theo Cafef


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO