Chính sách cho thuê đất giá ổn định và mô hình nhà xưởng xây sẵn phù hợp với doanh nghiệp thuê vừa và nhỏ đã giúp tỷ lệ cho thuê ở một số KCN phía Nam được lấp đầy.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 5,26 tỉ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2022. Đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỉ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc… tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư.
Khu nhà xưởng xây sẵn tại KCN Long Hậu (Long An) đã được lấp đầy.
Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ đang tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, các tập đoàn lớn đang xem xét cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024.
Nhận định về triển vọng đầu tư vào Việt Nam, ông Morgan Ulaganathan, Giám Đốc bộ phận Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch – Khách sạn, Colliers Việt Nam, Thành viên Ban Chấp hành, Phòng Thương mại Singapore Việt Nam cho biết: “Việt Nam có vị thế chiến lược để trở thành trung tâm hậu cần nhờ tiềm năng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể phí vận chuyển. Năng suất lao động của Việt Nam tương đối cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam còn có nền chính trị tương đối ổn định, sức tiêu dùng trong nước và độ mở kinh tế tốt”.
Theo ông Morgan, giá thuê đất tại Việt Nam khá cạnh tranh so với các thị trường mới nổi khác. Cụ thể, thuế đất năm 2023 sẽ giảm 30% để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở Việt Nam cũng thấp hơn khoảng 20% so với Indonesia và Thái Lan. Đây được coi là những điểm cộng lớn cho bất động sản công nghiệp. Mặc dù một số diễn biến gần đây như thuế tối thiểu toàn cầu và sự phân mảnh địa kinh tế chắc chắn sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, các thị trường nhóm 1 và nhóm 2 đều ghi nhận sức hấp thụ bất động sản công nghiệp khá tốt. Bên cạnh đất công nghiệp, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm mặt bằng nhà xưởng xây sẵn tại các khu công nghiệp có vị trí thuận tiện, hạ tầng giao thông phát triển, hợp đồng thuê ngắn hoặc trung hạn và có tiềm năng mở rộng được trong tương lai.
Tại Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), ghi nhận nhu cầu cho thuê từ đầu năm đến nay tăng 10% – 15% so với năm trước. Trong đó, đa số là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến chế tạo, thực phẩm, logistics…. đến từ châu Âu, châu Mỹ và nội khối châu Á.
“Cơ sở hạ tầng tốt, mô hình nhà máy xây sẵn phù hợp cho công ty quy mô vừa và nhỏ, giúp giảm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian chuẩn bị để đưa vào vận hành sớm”, ông Trần Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Zettler Việt Nam chia sẻ khi vừa khảo sát, mô hình nhà máy đặt trong KCN Long Hậu.
Tiếp tục phát triển dòng sản phẩm nhà xưởng xây sẵn, đặc biệt mô hình nhà xưởng xây sẵn diện tích nhỏ, tối ưu chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động cũng là giải pháp trọng tâm mà đơn vị phát triển và quản lý khu công nghiệp Long Hậu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty Cổ phần Long Hậu cũng cho biết: “KCN sẽ đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, tăng cường xúc tiến các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư kết nối kinh doanh, phát triển chuỗi cung ứng tại địa phương và các vùng kinh tế lân cận”.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục tăng cường phát triển công nghiệp, các địa phương cũng như đơn vị phát triển, quản lý bất động sản công nghiệp cần tạo dựng môi trường triển khai và vận hành kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng hơn cho nhà đầu tư. Cần bảo đảm giải thích rõ ràng thông tin về đầu tư và quy hoạch, nhất quán các quy định pháp luật liên quan đến bất động sản và kinh doanh bất động sản để các nhà đầu tư, chủ đầu tư hiểu đúng.
UBND tỉnh Long An cho biết, năm 2023 tỉnh sẽ tập trung xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực trên nhiều phương diện như chính sách ưu đãi, tài nguyên, nguồn nhân lực để thu hút nhà đầu tư, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư kinh doanh… Đặc biệt, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ hơn để giảm chi phí hậu cần và logistics.
Bên cạnh quy hoạch hạ tầng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, các khu công nghiệp cần có định hướng, xây dựng cơ chế phát triển theo hướng bền vững bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị, từ đó có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư xanh, công nghệ cao – chất lượng cao.
Bất động sản công nghiệp lên ngôi nhờ dòng vốn FDI ổn định
Theo Cafef