Giá bất động sản giảm nhiệt là động lực khiến nhiều người muốn xuống tiền mua đất để tích sản. Song “tiền thịt” mỏng, người mua vẫn đắn đo trong bài vay ngân hàng đầu tư khi lãi suất tăng cao.
So thời điểm đầu năm 2022, giá bất động sản đã giảm nhiệt đáng kể, đặc biệt loại hình đất nền, đất thổ cư tại khu vực vùng ven Hà Nội hay ở các tỉnh thành. Nhiều lô đất được chủ sẵn sàng giảm tới 30%. Không chỉ đất thổ cư, loại hình nhà đất trong ngõ, hoặc shophouse, biệt thự vùng ven cũng ghi nhận tín hiệu giảm nhiệt.
“Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để mua bất động sản vì giao dịch đang tăng, lãi suất cũng ổn định”, chị Lê Hương (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận định. Thế nhưng, điều chị Lê Hương băn khoăn đó là có nên vay tới 50% giá trị bất động sản để mua đất đầu tư. Giữa tháng 4, chị Hương được môi giới tư vấn mua lô đất tại Hoài Đức giá với 2,5 tỷ đồng. Hiện tại, chị Hương đang có tài chính 1,2 tỷ đồng. Nếu mua lô đất này, chị Hương phải vay ngân hàng tới hơn 50% giá trị bất động sản, tương đương với 1,3 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, với lãi suất 10%/tháng, chị Hương nhẩm tỉnh phải trả, 15 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, thời gian vay 25 năm.
Lo ngại của chị Hương cũng giống như anh Đăng Mạnh (hiện đang thuê nhà tại ngõ sâu trên phố Tôn Đức Thắng, Ba Đình, Hà Nội). Anh Mạnh lên kế hoạch mua nhà được 3 năm trở lại đây. 2 năm dịch bệnh khiến việc mua nhà của anh bị ngắt đoạn. Giữa năm 2022, vợ chồng anh tiếp tục hành trình tìm căn nhà đất trong ngõ, tầm tài chính 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời điểm giữa năm 2022, lãi suất cao khiến anh Mạnh lo ngại. Đến đầu năm 2023, anh Mạnh tìm giới thiệu căn nhà tại Yên Nghĩa với mức giá 2,1 tỷ đồng. Nếu như mua căn nhà này, anh Mạnh sẽ phải vay ngân hàng 45% giá trị bất động sản, tương đương với 950 triệu đồng.
So thời điểm năm 2020, mức lãi suất hiện tại dù đã giảm nhiệt nhưng vẫn cao. Mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên dao động 9-10% nhưng điều anh Mạnh băn khoăn về mức lãi suất thả nổi có thể lên tới 13-14%/tháng. Như vậy, vay 950 triệu đồng sẽ phải trả khoảng 14-15 triệu đồng/tháng.
“Nhưng nếu không mua nhà sớm, lạm phát gia tăng, tiền để tiết kiệm ngày càng mất giá. Mà vay mua nhà tôi cũng sợ phải trả lãi cao”, anh Mạnh nói.
Khảo sát thực tế cho thấy, đến hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay bất động sản. Đơn cử như tại ngân hàng Wooribank, mức lãi suất cho vay ưu đãi năm đầu tiên 8,9%. Lãi suất từ năm thứ 2 thả nổi. Tại Ngân hàng ACB, mức lãi suất cho vay ưu đãi năm đầu tiên từ dao động hơn 9%. Từ năm thứ 2, mức lãi suất thả nổi. Chi phí phạt trả trước trong 3 năm đầu tiên tại các ngân hàng đều dao động từ 1-3,5%.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, người mua không nên vay quá mức 50% giá trị bất động sản. Đồng thời ông cho rằng, nên cân đối vào thu nhập tài chính của gia đình.
Đưa ra quan điểm về việc vay mượn để mua nhà, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, đây cũng là động lực để gia đình trả nợ và chi tiêu tiết kiệm. Vị chuyên gia khuyến nghị, nếu thu nhập thấp, lãi suất đang cao thì gia đình trẻ không nên gồng mình vay ngân hàng để mua nhà vì sẽ tạo áp lực lớn. Nếu không thể gánh nổi nợ lãi, người mua nhà có thể đứng trước nguy cơ áp lực phải thanh khoản tài sản.
Ông cũng khuyến nghị, có thể đợi đến cuối năm 2023, giá nhà sẽ bình ổn và lãi suất cho vay cũng ổn định.
Từ tháng 5, đất đấu giá trên 30 tỷ sẽ do UBND TP Hà Nội phê duyệt giá khởi điểm
Theo Cafef