Từng giành nhau mua 8-10 triệu đồng mỗi m2, đến nay những mảnh đất vườn tại một số tỉnh lân cận Tp.HCM đang bất động về giao dịch.
“Bán được nửa giá, tôi cũng bán…”, một nhà đầu tư chia sẻ khi đang cố bán mảnh đất vườn gần 3.000m2 tại Định Quán, (Đồng Nai) nhưng chưa có ai hỏi mua.
Còn nhớ, vào thời điểm giữa năm 2021, đất vườn tại Định Quán, Long Thành (Đồng Nai) mua bán sôi nổi. Thị trường xuất hiện tình trạng tranh giành nhau xuống cọc. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư ôm cùng lúc 4-6 nền với mức giá từ 300-500 triệu đồng mỗi nền. Sau đó bán qua tay lời hàng trăm đến hàng tỉ đồng trong khoảng thời gian ngắn.
Tại Long Thành, các thông tin sân bay cũng liên tục “đẩy sóng” cho loại hình đất vườn nói riêng, phân khúc đất nền nói chung. Các hoạt động gom đất, chờ lên giá qua tay diễn ra phổ biến giai đoạn 2021 đến đầu năm 2022.
Hiện nay, tình trạng mua bán tại các khu vực này gần như tắt hẳn. Nhiều nhà đầu tư “kẹt” tiền tỉ với dòng sản phẩm đất vườn tỉnh. Giá đã giảm phổ biến từ 20-30%, có một số sản phẩm giảm 40-50% nhưng vẫn khó giao dịch.
Sở hữu 3 mảnh đất vườn tại Định Quán, Đồng Nai. Đến nay cần tiền, anh Việt (một nhà đầu tư tại Tp.HCM) không thể thu lại. ba mảnh đất này, anh mua với giá 1.7 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, do đang ôm nhiều bất động sản, anh Việt rao bán đất vườn để gồng các tài sản khác nhưng mãi không bán được. Nhà đầu tư này cho biết, giờ có ai mua một nửa giá anh cũng bán để có tiền chi trả các khoản khác và chờ thị trường ổn lại.
Theo cách anh Việt chia sẻ thì thị trường đất nền tỉnh khó trở lại đà tăng trong ngắn hạn, cho nên thay vì chờ tăng giá thì anh chấp nhận bán lỗ sâu để thu lại phần nào dòng tiền.
Nhóm anh Hải (ngụ Tp.Thủ Đức) hiện cũng đang kẹt vài lô đất vườn tại Đồng Nai và Bình Thuận. Do không sử dụng vốn vay ngân hàng nhưng nếu muốn thu dòng tiền để giải quyết công việc trước mắt thì khá khó khăn để bán được. Dù có nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, nhóm đầu tư này cũng không lường hết được sự khó khăn của thị trường hiện tại. “8 năm nay tôi chưa thấy thời điểm nào thị trường khó khăn như hiện nay”, anh Hải cho biết.
Đất vườn vốn là dòng sản phẩm đầu tư thay thế và từng hái ra tiền cho nhà đầu tư. Các mảnh đất vườn tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hay Bình Thuận với giá vài trăm triệu đồng/sào đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư Tp.HCM đổ về gom trong giai đoạn 2019-2021. Hiện không ít người vẫn ôm đất vườn và muốn ra hàng thời điểm này là vô cùng khó khăn.
Hiện nay, đất vườn tỉnh lân cận Tp.HCM xuống nửa giá, nhà đầu tư vẫn dưng dưng. Nhiều nhà đầu tư dự tính kiếm lời với phân khúc này trong vòng 1-2 năm, giờ như “ngồi trên đống lửa” nhìn giá xuống và bán không được.
Những biến động về kinh tế khiến nhiều người e ngại xuống tiền với đất đai ở khu vực tỉnh. Ngay cả những người đang ôm đất tỉnh cũng rơi vào tình trạng lo lắng khi không xác định được thời gian phục hồi. Dòng tiền có thể sẽ bị chôn rất lâu vào các loại hình như đất vườn, đất nông nghiệp.
Theo Cafef