Giá phòng bình quân là điểm sáng trên thị trường, khi đang ghi nhận tốc độ khôi phục tốt. Việc các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa trở lại được kỳ vọng đem đến những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam.
Đối diện nhiều thách thức
Mới đây, tại Meet The Experts – Hội nghị chuyên đề về thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất tại Việt Nam tổ chức bởi Wehub Vietnam và Savills Hotels đã quy tụ hơn 40 diễn giả đầu ngành cùng các đại diện chủ đầu tư, chủ sở hữu khách sạn, các đơn vị tư vấn và chuyên gia trong lĩnh vực. Các chuyên gia đã chia sẻ các góc nhìn về hoạt động kinh doanh, triển vọng thị trường cũng như thảo luận các cơ hội để cải thiện vị thế của ngành bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels và người chủ trì sự kiện Meet the Experts, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng lượt khách ấn tượng. Hình ảnh du lịch Việt Nam cũng trở nên thân thuộc và dần trở thành điểm đến nghỉ dưỡng nổi bật trong Đông Nam Á, cạnh tranh với các điểm đến quốc tế trong khu vực.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng “nóng”, thị trường đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở cũng như một số dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Dẫu vậy một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng vẫn ghi nhận kết quả hoạt động tích cực và duy trì đà phục hồi tốt. Việc hoạch định kỹ lưỡng và quản lý vận hành chỉn chu là các yếu tố tiên quyết hỗ trợ quá trình khôi phục của dự án hiệu quả hơn.
Ông Mauro cho rằng, các yếu tố lạm phát, xung đột chính trị, chi phí hàng không đắt đỏ và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành tác động đến sự phục hồi của các hoạt động du lịch. Tại Việt Nam, quá trình khôi phục diễn ra không đồng đều. Công suất phòng của các khách sạn tại Tp.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, thị trường Nha Trang và Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều thách thức; lợi nhuận hoạt động kinh doanh tại những khu vực này vẫn đang thấp hơn Bali và Phuket 40% – 60%.
Theo bà Fenady Uriarte, Quản lý phát triển kinh doanh, thị trường Đông Nam Á tại STR cho hay, tính đến hết tháng 2/2023, chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có tại các quốc gia Đông Nam Á đang rất gần với mức trước đại dịch, dẫu vậy thị trường Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức khi chỉ số này thấp hơn -33.4% so với năm 2019. Giá phòng bình quân là điểm sáng trên thị trường, khi đang ghi nhận tốc độ khôi phục tốt. Việc các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa trở lại được kỳ vọng đem đến những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh việc nguồn cầu du lịch quay lại chậm hơn kỳ vọng, chính sách kiểm soát tín dụng trong thời gian qua cũng tác động không ít đến hoạt động phát triển, khiến nhiều dự án phải trì hoãn hoặc tạm dừng. Mặt khác, các hoạt động tái định vị dự án đang diễn ra mạnh mẽ hơn khi thị trường ghi nhận nhiều chủ sở hữu khách sạn đang làm việc với các nhà điều hành khách sạn để nâng cấp, cải tạo dự án. Việc hợp tác với các thương hiệu khách sạn giúp dự án gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường thông qua quy mô chuỗi, tiêu chuẩn thương hiệu và mạng lưới marketing, phân phối.
Nguồn cung khách sạn hang sang đang trở thành xu hướng
Theo đại diện Savills Hotel, thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu các sản phẩm lưu trú mới đáp ứng nhu cầu của nhóm khách trẻ vốn là tệp khách chú trọng không gian trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần là nơi lưu trú. Phần lớn các thương hiệu khách sạn trên thị trường hiện nay thuộc nhóm truyền thống, chưa có nhiều sự hiện diện của các thương hiệu mang tính trải nghiệm lifestyle.
Dự kiến đến năm 2026, nhóm thương hiệu lifestyle sẽ gia tăng độ nhận diện trên thị trường với sự gia nhập của các thương hiệu như Voco, Hyde, Hotel Indigo, Caption by Hyatt, L7 và Garrya.
Tại Việt Nam, khoảng 30% dân số thuộc thế hệ Millennials, và thế hệ này đang thúc đẩy, định hình những xu hướng du lịch mới trên thị trường.
Tại hội nghị, các diễn giả cho rằng, các xu hướng đang hình thành trên thị trường bao gồm xu hướng màu sắc, tiềm năng của việc chuyển đổi công năng tòa nhà sang mô hình khách sạn, xu hướng trải nghiệm ẩm thực sang trọng và vai trò truyền thông thương hiệu trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo thống kê của Savills Hotels, nguồn cung hạng sang (luxury) chiếm 2% tổng số phòng khách sạn hiện tại, nhưng chiếm 5% tổng nguồn cung đang triển khai và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong ba năm tới.
Bên cạnh sự gia tăng của nguồn cung phòng khách sạn, thị trường branded residence hạng sang cũng đang đón nhận sự quan tâm tại Việt Nam.
Tệp khách hàng sở hữu giá trị tài sản lớn ưa chuộng các sản phẩm branded residence do những giá trị về thời gian và không gian sử dụng mà sản phẩm này đem lại. Khái niệm sang trọng đúng nghĩa phải tạo ra một không gian thư giãn cho tâm trí thông qua các yếu tố chất lượng không gian, dịch vụ, tiện ích, ánh sáng và không khí chứ không đơn thuần chỉ dựa vào việc sử dụng các chất liệu cao cấp.
“Có thể nói rằng, sức hấp dẫn của dòng sản phẩm hạng sang đến từ hai yếu tố là sự danh giá và khẳng định hình ảnh của chủ sở hữu,” chuyên gia Savills Hotel nhấn mạnh.
Theo Cafef