Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Chiến lược đầu tư trên mặt bằng giá mới

 Trong bối cảnh thị trường đang ở vùng đỉnh 1 năm, chiến lược đầu tư có thể sẽ phải điều chỉnh để danh mục an toàn hơn.

Chú trọng vào các doanh nghiệp tăng trưởng

Mức định giá P/E bình quân của thị trường chứng khoán gần đây khoảng 16 lần, so với giai đoạn đầu năm 2023 thì không còn rẻ, thậm chí có nhiều nhóm cổ phiếu trở nên đắt đỏ. Thị trường lập đỉnh ngắn hạn nhờ dòng tiền quay lại trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dù khối ngoại có động thái bán ròng.

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, định giá P/E của thị trường chứng khoán quanh 16 lần là mức chấp nhận được.

“Thực tế, khi thị trường hoạt động trên các mốc định giá có phần sách vở (lý thuyết) thì xu hướng tăng mới hấp dẫn, nhà đầu tư mới dễ kiếm được tiền và sẽ có đông nhà đầu tư tham gia. Mức định giá càng cao, dòng tiền tìm đến ngày càng mạnh, vì kỳ vọng ở thị trường chứng khoán luôn không có đỉnh”, ông Nhân nói.

Tuy nhiên, ông Nhân khuyến nghị, định giá thị trường đang ở mức nào thì nhà đầu tư vẫn nên chú trọng vào các doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.

VN-Index có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5/2023, gần đây có một số phiên trồi sụt, nhưng vẫn đạt mức tăng khoảng 17%, dao động ở vùng đỉnh 1 năm, từ 1.220 – 1.250 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9 tại 1.223,81 điểm, chỉ số có mức tăng hơn 20% so với đầu năm 2023, còn so với đáy ngắn hạn giữa tháng 11/2022, mức tăng là trên 30%. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp suy giảm so với cùng kỳ và quý II nhìn chung đi ngang. Vì vậy, định giá chung của thị trường trở nên đắt hơn trước và nếu nhìn vào các yếu tố cơ bản sẽ khó tìm cơ hội đầu tư hơn.

Diễn biến VN-Index và mức định giá P/E. Nguồn: VNDIRECT. ảnh 1

Diễn biến VN-Index và mức định giá P/E. Nguồn: VNDIRECT.

Xét về mặt định giá để lựa chọn cổ phiếu an toàn trong dài hạn, nhà đầu tư có thể chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tăng trưởng, vì P/E forward (dự phóng 12 tháng tới) sẽ giảm, tạo cơ hội tăng giá cổ phiếu; cổ phiếu có hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) gia tăng nhưng định giá P/E, P/B không tăng; cổ phiếu có câu chuyện đầu tư như được khối ngoại mua ròng, hưởng lợi từ đầu tư công, hoặc kết quả kinh doanh được cải thiện.

Nhà đầu tư cần phân tích kỹ các cổ phiếu mục tiêu, vì khác với giai đoạn vừa qua, giá cổ phiếu của nhiều ngành tăng mạnh do kỳ vọng vào chính sách lãi suất giảm và triển vọng phục hồi kinh tế, còn giai đoạn hiện nay, dòng tiền ưu tiên các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III được dự báo khả quan, cũng như các cổ phiếu được định giá thấp so với tài sản của doanh nghiệp.

Một số nhóm ngành có dư địa tăng

Ông Nhân nhìn nhận, thị trường vẫn đang trong chu kỳ tăng dài hạn (uptrend) nên các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.

VN-Index đã hồi phục khá mạnh sau khi điều chỉnh về mức 1.149 điểm ngày 22/8/2023. Đây là đợt phục hồi rất có ý nghĩa, giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư. Hơn nữa, dẫn dắt thị trường trong đợt hồi phục là các cổ phiếu đầu ngành như FPT, GMD, VNM, VCB, BID, SSI, VCI, PVS , PVD, GAS, BSR, TNG, BMP…, điều này khác với sóng tăng trước đó khi được dẫn dắt bởi nhóm bất động sản ăn theo hiệu ứng chính sách của Chính phủ.

Nhiều cổ phiếu đang có mức giá cao so với trước, nhưng không ít nhóm ngành nói chung, cổ phiếu nói riêng có triển vọng tiếp tục tăng.

Về các nhóm ngành có dư địa tăng trưởng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group nhận định, nhóm khu công nghiệp hiện là lựa chọn tốt. Bởi lẽ, nhiều công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là SZC, KBC, IDC.

Thứ hai là nhóm chứng khoán, mặc dù giá đã tăng mạnh, nhưng vẫn có khả năng tiếp tục tăng. Nhóm ngành này có yếu tố hỗ trợ là chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng vào hệ thống giao dịch mới (KRX) dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay. Với dòng tiền chảy mạnh vào thị trường thời gian qua, có thể dự đoán rằng, kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm 2023 của các công ty chứng khoán sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, nhất là các mã đầu ngành như VCI, SSI, HCM, CTS.

Thứ ba là nhóm ngành ngân hàng. Mặc dù không còn ở giai đoạn tăng trưởng nóng và nền kinh tế đang gặp khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhưng một số cổ phiếu có dư địa tăng do định giá vẫn hấp dẫn. Trong khi đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng ổn định, nếu dùng phương pháp định giá P/B thì giá không ít cổ phiếu đang ở mức thấp, dưới giá trị sổ sách. Một số cổ phiếu có tiềm năng để đầu tư là TCB, STB.

Thứ tư là nhóm ngành dệt may. Thời gian qua, ngành này gặp khó khăn do nhu cầu suy giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt, nhưng có dấu hiệu đã chạm đáy lợi nhuận, dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới khi các dữ liệu vĩ mô cho thấy sự gia tăng trở lại về giá trị xuất khẩu. Cổ phiếu đáng chú ý là GIL, TNG.

Ở góc nhìn thận trọng, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư, Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang đầu tư theo kỳ vọng và các chính sách, chứ thực tế doanh nghiệp được hưởng lợi bao nhiêu thì chưa có con số cụ thể. Đơn cử, nhóm chứng khoán tăng giá mạnh chủ yếu là nhờ kỳ vọng vào hệ thống KRX, nhưng áp dụng như thế nào, bao giờ vận hành?

Thế nên, áp mô hình định giá dựa trên các giả định tích cực có thể có sai số lớn. Hay như việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN hoãn thi hành một số điều khoản của Thông tư 06/2023/TT-NHNN về việc cấm cho vay một số lĩnh vực, nhất là bất động sản, khiến nhà đầu tư hồ hởi, nhưng trước khi Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9/2023, thị trường vẫn tồn tại nhiều nút thắt, đặc biệt liên quan đến câu chuyện thanh khoản của các chủ đầu tư.

“Niềm tin của nhà đầu tư vẫn đang là trụ cột cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán giai đoạn này và điều đó không thực sự bền vững. Cá nhân tôi cho rằng, nhiều cổ phiếu đang có mức giá đắt, thậm chí một số tiêu chí định giá đắt hơn cả khi thị giá ở đỉnh cuối năm 2021, đầu năm 2022”, ông Bình nói.

Thực tế, dòng tiền thường vận động theo sự kỳ vọng vào tương lai nên có những cổ phiếu đi trước yếu tố kinh doanh khá xa. Theo đó, nhà đầu tư nên phân bổ đầu tư hợp lý vào từng nhóm cổ phiếu cơ bản mang tính dài hạn và các nhóm cổ phiếu tăng trưởng để thu lợi nhuận ngắn hạn, không chỉ cổ phiếu của doanh nghiệp duy trì được kết quả kinh doanh khả quan, mà còn cổ phiếu của doanh nghiệp đang hồi phục sau giai đoạn khó khăn.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO