Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/6 của các công ty chứng khoán
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PNJ
CTCK SSI (SSI)
Kết quả kinh doanh tháng 4/2023 của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi, cụ thể, lợi nhuận ròng giảm 24% svck. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh này đã phản ánh chân thực hơn thực trạng của nền kinh tế chung.
Chúng tôi cho rằng, lợi nhuận của công ty vẫn có thể giảm hai con số trong quý II/2023 và quý III/2023 do suy thoái kinh tế vẫn có thể ảnh hưởng đến mức tiêu dùng trang sức.
Động thái cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương đã khiến lãi suất điều hành giảm xuống khoảng 200-300 điểm cơ bản so với đầu năm, tuy nhiên vẫn cần thêm một thời gian nữa để động thái này thực sự hỗ trợ nền kinh tế chung.
Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tổng thể sẽ phục hồi trong quý IV/2023. Do đó, lợi nhuận chỉ có thể quay trở lại mức tăng trưởng dương vào quý IV/2023.
Với kết quả kinh doanh tháng 4 thấp hơn kỳ vọng, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng năm 2023-2024 lần lượt là -8% và -5% xuống mức 1,74 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1,96 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%).
Chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu mới là 81.400 đồng/cp (từ 86.000 đồng)/cổ phiếu dựa trên cơ sở định giá năm 2024 (từ mức trung bình năm 2023-2024) và P/E mục tiêu không đổi là 15x. Với tiềm năng tăng giá là 11,1% so với giá cổ phiếu hiện tại, chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu xuống trung lập (từ khả quan).
PNJ có thể chỉ phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn. Ngành bán trang sức trong dài hạn sẽ mang lại lợi nhuận nhờ thu nhập khả dụng dự kiến tăng lên và quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang cửa hàng thương mại hiện đại.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGW
CTCK Vietcap (VCSC)
Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho CTCP Thế Giới Số (DGW – sàn HOSE) thêm 14% nhưng giữ nguyên khuyến nghị mua.
Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi đến từ mức giảm 31% của chúng tôi trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025 (-45%/-31%/-20% trong năm 2023/24/25).
Cơ sở đưa ra kế hoạch trên chủ yếu do (1) chúng tôi giảm dự báo tổng doanh thu từ mảng ICT (ĐTDĐ và laptop) của DGW trong giai đoạn 2023-2025 thêm 26% và (2) chúng tôi giảm dự báo biên lợi nhuận gộp của DGW thêm 50 điểm cơ bản còn 6,6% trong năm 2023, do kết quả kinh doanh quý I/2023 thấp hơn đáng kể so với dự kiến, cùng với kỳ vọng trước đây của chúng tôi về mức tiêu thụ yếu trong suốt năm 2023. Điều này được bù đắp một phần nhờ (1) chúng tôi tăng dự báo tổng doanh thu hàng tiêu dùng trong giai đoạn 2023-25F thêm 40% và (2) chúng tôi cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2024.
Chúng tôi tin rằng DGW có định giá hấp dẫn với P/E năm 2024 là 9,4 lần so với PER trượt trung bình 3 năm là 13,8 lần và trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 11,3 lần.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KBC
CTCK Agribank (AGR)
Doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC – sàn HOSE) sẽ khả quan hơn so với năm 2022 nhờ (1) Ghi nhận doanh thu cho thuê khu công nghiệp hơn 180 ha từ các dự án Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu mở rộng, Tân Phú Trung; (2) Vốn FDI đăng ký vào TP. HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh – nơi tập trung nhiều dự án của KBC tiếp tục tăng. Tuy nhiên việc đạt kế hoạch đề ra đầu năm sẽ gặp nhiều thách thức do bối cảnh chung thị trường bất động sản.
Tình hình tài chính duy trì lành mạnh giúp giảm áp lực nợ vay: Áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn của KBC đã giảm đi đáng kể nhờ dòng thu lớn từ hoạt động cho thuê bất động sản KCN. Trong quý I, KBC đã hoàn tất việc mua lại trước hạn 2.400 tỷ đồng các trái phiếu đến hạn trong năm nay và cả năm sau. Mặc dù vay nợ có tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm nhưng các hệ số đòn bẩy tài chính vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ vay vẫn nhỏ so với tổng tài sản và tài sản lưu động. Theo đó, chúng tôi cho rằng KBC sẽ có đủ nguồn lực tài chính để trả nợ trái phiếu đáo hạn.
Nhiều dự án gối đầu tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn: Về trung và dài hạn, KBC vẫn tiềm năng nhờ quỹ đất thương phẩm lớn hơn 1.000ha (Tràng Duệ 3, Tân Tập, Nam Tân Tập) nằm tại các tỉnh thu hút vốn FDI cao trải dài từ Bắc vào Nam. Dự án Tràng Cát khi được khởi công dự kiến cũng là nguồn thu chính cho KBC trong 5 – 10 năm tới. KBC đang từng bước chuẩn bị cho việc đầu tư đại dự án. Theo đó, đã ký kết 4 MOU với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc trong chuyến công tác tháng 6/2023 về việc đầu tư các dự án tại khu đô thị Tràng Cát trong tương lai.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KBC với giá mục tiêu là 33.000 đồng/CP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu IDC
CTCK Agribank (AGR)
Tổng công ty IDICO – Công ty cổ phần (IDC – sàn HNX) là nhà phát triển khu công nghiệp với quỹ đất lớn khoảng 3.200 ha, hơn 700 ha diện tích đất thương phẩm, tập trung ở các tỉnh thu hút vốn FDI như Long An, Vũng Tàu, Bắc Ninh gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ II, Phú Mỹ II mở rộng, Khu công nghiệp Hựu Thạnh, Cầu Nghìn.
Kỳ vọng hoạt động cho thuê tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhờ ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng cho thuê và hợp đồng ghi nhớ đã ký trong năm 2022 ở các Khu công nghiệp Hựu Thạnh, Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Cầu Nghìn với giá thuê dự kiến tăng 5 -10% so với năm trước.
Dòng tiền từ chuyển nhượng khu dân cư: IDC sẽ ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng dự án Khu dân cư phường 6, Tân An cho Aeon Mall giá trị ước tính hơn 300 tỷ đồng. Điều này sẽ tác động tích cực đến dòng tiền của IDC trong năm 2023.
Tiềm năng dài hạn từ các dự án gối đầu: IDC có kế hoạch phát triển thêm quỹ đất hơn khoảng 2.000 – 3.000ha ở các tỉnh Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng của IDC trong dài hạn. Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 450 ha mới dự kiến sẽ nối tiếp quỹ đất hiện tại nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của IDC trong dài hạn.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu IDC với giá mục tiêu là 47.000 đồng/CP.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn