Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư         Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

Cổ phiếu HAG nổi sóng, lên mức giá cao nhất trong gần 2 năm

Trong khi thị trường chung giao dịch lình xình và may mắn có được sắc xanh, thì nhiều cổ phiếu trong nhóm vừa và nhỏ đã nổi sóng, điển hình là mã HAG tăng kịch trần và leo lên mức giá cao nhất trong gần 2 năm.

Mặc dù nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là cặp đôi lớn VHM và VIC khá nỗ lực, nhưng dưới áp lực bán gia tăng trên diện rộng, thị trường đã nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc rồi lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu sau thời gian ngắn đầu phiên khởi sắc.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm bởi tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán. VN-Index đã có nới nhẹ biên độ giảm khi các lực đỡ chính từ bluechip có chút đuối sức, nhưng mốc 1.120 đã đóng vai trò hỗ trợ khá tốt, giúp chỉ số chung dễ dàng bật hồi mỗi khi tiệm cận vùng giá này.

Sau khoảng thời điểm 14h, lực cầu có chút cải thiện đã giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá yếu, lực đỡ chính là các bluechip còn khá mong manh và trạng thái chính trên thị trường chung vẫn là giảm điểm khi số mã giao dịch trong sắc đỏ chiếm áp đảo, thì VN-Index khó có thể bứt phá. Chỉ số chung đóng cửa chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ hơn 1 điểm với thanh khoản khá thấp chưa tới 15.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chung lình xình và nhóm VN30 giao dịch phân hóa, dòng tiền trở lại hoạt động khá sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình là cổ phiếu HAG.

Mặc dù mở cửa tiếp tục mất giá và diễn biến giằng co nhẹ trong suốt cả phiên sáng, nhưng lực cầu mạnh mẽ đã nhanh chóng nhập cuộc trong phiên chiều, đặc biệt là đợt khớp lệnh ATC đã giao dịch tới gần 2,1 triệu đơn vị, giúp cổ phiếu HAG kéo trần thành công.

Đóng cửa, HAG đứng tại mức giá trần 13.000 đồng/CP, tăng gần 70% chỉ tính trong khoảng 2,5 tháng, đồng thời đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu HAG trong khoảng 20 tháng (kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay). Về thanh khoản, HAG cũng tăng vọt, vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường khi có tới 26,12 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Bên cạnh đó, cổ phiếu nhỏ DLG cũng tăng trần thành công nhờ đợt khớp lệnh ATC giao dịch thành công hơn 1,2 triệu đơn vị. Kết phiên, DLG tăng 6,9% lên mức 2.490 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 6,8 triệu đơn vị.

Một trong những điểm sáng khác là POM. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần của POM. Đóng cửa, POM đứng tại mức giá 5.430 đồng/CP với thanh khoản vẫn sôi động khi có hơn 4,71 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 3,26 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, động lực giúp VN-Index bảo toàn đà tăng nhẹ trong phiên đầu tuần là nhóm cổ phiếu bluechip, với điểm tựa chính vẫn là cặp đôi VHM và VIC. Đóng cửa, VHM tăng 3,4% lên mức 41.000 đồng/CP và VIC tăng 2,6% lên 44.050 đồng/CP.

Cũng nhờ diễn biến tích cực của cặp đôi lớn VHM và VIC, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn thuộc top có mức tăng tốt trong thị trường. Tuy nhiên, các mã nóng giao dịch mạnh như DXG, DIG, HQC, PDR đều đóng cửa giảm hơn 2-3%. Điểm sáng ngành cũng là một mã thuộc top vừa và nhỏ, đó là ITA đã có màn đảo chiều ấn tượng khi đóng cửa tăng 4,9% lên mức giá cao nhất ngày 7.450 đồng/CP, thanh khoản đạt 9,32 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập với thị trường là chứng khoán đã giao dịch tích cực hơn với số mã đảo chiều tăng đang chiếm ưu thế hơn. Trong đó, HCM vẫn tiếp tục tăng tốt nhất ngành khi đóng cửa tăng 3,23%; các mã khác như VND và VCI tăng hơn 1%, cùng nhiều mã khác như BSI, CTS, FTS, ORS, SSI… tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Cổ phiếu VIX thu hẹp biên độ khi đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 0,6%, đứng tại mức giá 17.100 đồng/CP, với thanh khoản vẫn vượt trội trên thị trường khi có 41,14 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, dòng bank vẫn “níu chân” thị trường. Trong top 10 mã ảnh hưởng giảm mạnh nhất tới thị trường thì có tới 6 mã thuộc nhóm ngân hàng, với bộ 3 gồm VCB, BID, VPB dẫn đầu khi lần lượt lấy đi gần 1,1 điểm, 0,7 điểm và 0,4 điểm của chỉ số chung. Cổ phiếu duy nhất ngược dòng thành công là SHB đóng cửa tăng 1,36% lên mức 11.150 đồng/CP, ngoài ra HDB và ACB đóng cửa đứng giá tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HOSE có 215 mã tăng và 302 mã giảm, VN-Index tăng 1,06 điểm (+0,09%) lên 1.125,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 819,1 đơn vị, giá trị 17.742,56 tỷ đồng, giảm 14,47% về khối lượng và 17,42% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 8/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 82,28 triệu đơn vị, giá trị 2.110,35 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, nhận “tín hiệu xanh” từ sàn HOSE, thị trường cũng đã hồi nhẹ vào cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 73 mã giảm và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,07%) lên 231,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,36 triệu đơn vị, giá trị 1.513,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,18 triệu đơn vị, giá trị 34,74 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đồng loạt khởi sắc. Bên cạnh MBS tăng tốt nhất rổ HNX30 khi đóng cửa tăng 2,3% lên mức 22.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3,4 triệu đơn vị, cổ phiếu SHS cũng hồi phục thành công khi đóng cửa tăng 1,1% lên mức 18.700 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 21,47 triệu đơn vị. Ngoài ra, BVS tăng nhẹ, APS tăng 1,5%, VIG lấy lại mốc tham chiếu.

Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong rổ HNX30 giao dịch tích cực hơn như CEO đóng cửa tăng 2,1% với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS với 15,38 triệu đơn vị, PVS và IDC cùng tăng hơn 1% với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị…

Tâm điểm đáng chú ý là TIG đã hạ độ cao do áp lực bán gia tăng sau 2 phiên tăng. Đóng cửa, TIG chỉ còn tăng 1,6%, đứng tại mức giá thấp nhất trong ngày 12.600 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 5,34 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,26%) xuống 85,48 điểm với 119 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,89 triệu đơn vị, giá trị 339 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,04 triệu đơn vị, giá trị 148,5 tỷ đồng, trong đó riêng NAB thỏa thuận 6 triệu đơn vị, giá trị 84 tỷ đồng.

Thành viên mới của thị trường là BCR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 6 triệu đơn vị giao dịch thành công, tuy nhiên áp lực bán vẫn khá lớn khiến cổ phiếu này đóng cửa giảm 5,9%, đứng tại mức giá 12.700 đồng/CP. Tuy vậy, so với mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn 8/12 là 12.000 đồng/CP, thì thị giá của BCR hiện vẫn tăng 5,83%.

Trong khi đó, BSR rung lắc và hồi nhẹ về cuối phiên khi đóng cửa tăng nhẹ 0,5% lên mức 19.000 đồng/Cp, khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 2,8 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ 4-5 điểm, trong đó VN30F2312 tăng 5 điểm, tương ứng tăng 0,4% lên mức 1.117 điểm, khớp lệnh 159.619 đơn vị, khối lượng mở 59.090 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CVPB2310 khớp lệnh cao nhất, đạt 4,89 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,5% lên 410 đồng/cq. Tiếp theo là CVPB2309 khớp 4,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,6% xuống 170 đồng/cq và CMSN2309 với 2,34 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 90 đồng/cq.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO