Nhóm cổ phiếu phân bón đang duy trì đà hưng phấn trong phiên sáng ngày 8/9 sau thông tin Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu phân ure. Giá phân bón cũng đang trong vùng giá tốt và được dự báo sẽ còn tăng.
Tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 08/09, nhiều cổ phiếu phân bón vẫn duy trì trạng thái tăng trần hưng phấn được thiết lập từ đầu phiên. Cụ thể, DCM, DPM, VFC, LAS… đồng loạt đứng tại mức giá trần với khối lượng dư mua trần khá lớn.
Động lực của đà tăng này được cho là xuất phát từ thông tin Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá phân ure trên thị trường nội địa nước này tăng vọt (theo hãng tin Bloomberg).
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới. Hiện một số nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc đã tạm ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu phân ure mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Đơn cử như CNAMPGC Holding cũng công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu phân ure để đảm bảo nguồn cung và duy trì giá phân bón ở mức ổn định.
Vào đầu tháng 8, lượng tồn kho của các nhà sản xuất phân bón ở Trung Quốc cũng giảm hơn 75% so với mức 1,16 triệu tấn vào tháng 6/2023. Với lượng hàng tồn kho giảm mạnh và tạm ngưng xuất khẩu, nguồn cung phân bón trên toàn cầu có nguy cơ bị thu hẹp đột ngột. Đặc biệt, một số quốc gia nhập khẩu ure lớn nhất từ Trung Quốc như Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Australia, Mexico… sẽ sớm nhận thấy sức ảnh hưởng sau quyết định này.
Chưa kể nguồn cung tại khu vực Đông Nam Á cũng đang bị thu hẹp do các nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) |
Trước những thông tin trên, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Thêm vào đó, tín hiệu tốt cũng đến từ giá ure đang hồi phục tốt kể từ cuối tháng 6 đến nay. Theo dữ liệu của Investing.vn, hợp đồng tương lai phân ure kết phiên ngày 7/9 đang ở mức 427,50 USD/tấn, tăng 50% so với thời điểm cuối tháng 6 và vùng giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đà tăng giá phân bón, ông Hà cho biết giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón cũng đang có xu hướng tăng. Nhưng đây không phải động lực chính thúc đẩy giá phân bón thời gian qua, mà do giá nông sản, giá gạo tăng nên người dân gia tăng diện tích gieo cấy và kéo theo nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng.
Dự báo về xu hướng giá phân bón trong thời gian tới, Phó chủ tịch FAV cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều ngừng xuất khẩu, khả năng thị trường sẽ chứng kiến giá phân bón vẫn tiếp tục tăng.
“Khả năng hai cường quốc dừng xuất khẩu, giá phân bón tăng có thể giúp các doanh nghiệp trong nước phấn khởi. Ure sẽ là nhóm đầu tiên hưởng lợi đầu tiên trong xu hướng này, sau đó sẽ có hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm phân bón khác…”, ông Hà nói.
Đặc biệt, quý III thường là quý thấp điểm tiêu thụ phân bón do nhu cầu trong nước giảm. Tuy nhiên, mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ ure. Nhất là trong tháng 9, 10, miền Bắc bước vào vụ Đông và Chiêm Xuân – thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm thúc đẩy nhu cầu phân bón tăng cao.
“Về thời vụ thì đúng là nhu cầu phân bón sẽ được thúc đẩy, nhưng do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên giá phân bón sẽ phụ thuộc lớn vào giá thế giới. Dù vậy, nhìn ở trường hợp ngược lại, việc giá ure tăng vọt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của nông dân trong nước vốn đang phấn khởi sau khoảng thời gian gặp nhiều khó khăn trước đó”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn