Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Cổ phiếu vận tải biển “thơm lây”

 Các hãng tàu Việt Nam chủ yếu chạy tuyến nội địa, nội Á, nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng tích cực của ngành vận tải biển thế giới.

Thận trọng với diễn biến giá cước vận tải biển

Mặc dù kinh doanh lao dốc và gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 khi giá cước vận tải quay đầu giảm mạnh, nhưng với diễn biến tích cực của thị trường vận tải biển thế giới, cũng như sự khởi sắc của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 11/2023 tới nay, giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp vận tải trong nước có mức tăng mạnh hơn thị trường chung.

Thống kê từ ngày 31/10/2023 đến 20/2/2024, cổ phiếu HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An) tăng 48,2%, từ 27.900 đồng/cổ phiếu lên 41.350 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) tăng 44%, từ 8.400 đồng/cổ phiếu lên 12.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) tăng 23,7%, từ 21.950 đồng/cổ phiếu lên 27.150 đồng/cổ phiếu.

Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số VN-Index tăng 19,6%, từ 1.028,19 điểm lên 1.230,06 điểm. Trong đó, nhà đầu tư tập trung vào một số nhóm cổ phiếu trụ, vốn hoá lớn như ngân hàng, với câu chuyện kỳ vọng nâng hạng thị trường, các quỹ chỉ số sẽ sớm mua và nắm giữ các cổ phiếu trụ; hầu hết các nhóm cổ phiếu khác tăng giá nhẹ, hoặc đi ngang.

Thực tế, bất ổn ở khu vực Trung Đông cuối năm 2023 đã ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển khu vực biển Đỏ, nơi có kênh đào Suez, vốn chiếm 15% tổng lưu lượng vận tải biển toàn cầu, đồng thời hạn hán dẫn tới tình trạng gián đoạn tại kênh đào Panama, nơi chiếm 12% tổng lưu lượng vận tải biển toàn cầu.

Với hành trình vận tải dài hơn, giá cước vận tải thế giới các tuyến chính đi qua kênh đào Suez và khu vực biển Đỏ đã tăng mạnh. Dữ liệu của Drewry từ ngày 30/11/2023 đến 25/1/2024 cho thấy, chỉ số World Container Index (chỉ báo 8 tuyến vận tải biển chính trên thế giới) tăng 187%, từ 1.382 USD/container 40ft lên 3.964 USD/container 40ft.

Sau đó, chỉ số World Container Index chững lại và điều chỉnh xuống mức 3.733 USD/container 40ft vào giữa tháng 2/2024.

Ông Philip Damas, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, điều tồi tệ nhất đã ở phía sau. Bây giờ, chúng ta đang bước vào giai đoạn thứ hai, các nhà xuất khẩu sẽ quản lý và tổ chức dễ dàng hơn, đồng thời giá cước giao ngay sẽ giảm đáng kể sau giai đoạn đầu”.

Theo các chuyên gia lĩnh vực vận tải biển, giá cước thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột trên thế giới, cũng như nguồn cầu vận chuyển hàng hoá và năng lực vận chuyển của các hãng tàu trong bối cảnh các tàu đóng mới dần được bàn giao.

Công ty Chứng khoán BIDV lưu ý, số lượng tàu container đóng mới trên toàn cầu được bàn giao trong năm 2024 ước tính tăng 30% so với năm 2023, có thể ảnh hưởng đến giá cước vận container.

Trái với sự tăng nóng trong giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của giá cước vận tải đi qua kênh đào Suez và khu vực biển Đỏ, chỉ số giá cước vận tải container tuyến Đông Nam Á chỉ tăng nhẹ.

Bà Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm, chuyên viên cao cấp lĩnh vực cảng biển tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: “Đối với nhóm vận tải biển, hầu hết các công ty trên sàn đang hoạt động theo hình thức vận chuyển nội địa hoặc cho thuê định hạn ở khu vực nội Á (Đông Á và Bắc Á). Theo quan sát, giá cước cho thuê định hạn container chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi giá cước vận chuyển nội địa vẫn ở mức thấp. Chúng tôi cho rằng, tác động từ xung đột ở biển Đỏ chưa ảnh hưởng đến giá cước vận tải ở các phân khúc này. Ngoài ra, tình trạng dư cung và xu hướng các hãng tàu ưu tiên sử dụng tàu cỡ lớn càng làm cho triển vọng của ngành chưa sớm có sự phục hồi trở lại”.

Áp lực tìm nguồn hàng đối với doanh nghiệp vận tải nội địa

Hầu hết các công ty vận tải biển trên sàn đang hoạt động theo hình thức vận chuyển nội địa hoặc cho thuê định hạn ở khu vực nội Á.

Hải An vừa đón nhận tàu đầu tiên trong 4 tàu đóng mới với Nhà máy đóng tàu Hoàng Hải (Trung Quốc) mang tên Haian Alfa (khai thác nội địa tuyến Bắc – Nam), với sức chở 1.800 TEU, nâng đội tàu lên 12 chiếc, tổng sức chở gần 18.000 TEU.

Trước đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, tính đến quý III/2023, Hải An sở hữu 11 tàu. Trong đó, Công ty tự vận hành 8 tàu và cho thuê định hạn 3 tàu gồm Anbien Bay (đáo hạn quý II/2025), Haian View (đáo hạn quý I/2024), Haian Mind (đáo hạn tháng 11/2023).

Với việc tự vận hành 8 tàu, đồng thời các tàu cho thuê dần đến ngày đáo hạn, đây là cơ sở để Hải An cập nhật lại giá cước thị trường đang ở mức cao, từ đó kỳ vọng cải thiện bức tranh lợi nhuận trong tương lai.

Tuy nhiên, trở ngại đối với Hải An đó là doanh nghiệp chủ yếu vận chuyển tuyến nội địa, nội Á, nên giá cước ít chịu tác động bởi xung đột tại khu vực Trung Đông. Ngoài ra, trong khi nhu cầu nội địa và nội Á chưa hồi phục, Hải An nhận thêm 1 tàu mới và có kế hoạch nhận thêm 2 tàu mới trong năm 2024, đòi hỏi Công ty phải tìm kiếm thêm đơn hàng để có thể nâng cao năng suất hoạt động.

Tương tự, Vosco sở hữu và khai thác đội tàu 13 chiếc, với tổng trọng tải 460.000 DWT, gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 3 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container. Tàu hàng khô chủ yếu khai thác thị trường nội địa, Đông Nam Á, Trung Quốc, Đông Bắc Á theo dạng spot (bốc hàng ngay), kết hợp cho thuê định hạn. Tàu chở dầu sản phẩm đang khai thác theo dạng tự khai thác kết hợp cho thuê định hạn trên khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á. Tàu container tập trung khai thác tuyến nội địa và tuyến Bắc Trung Quốc – Đông Nam Á.

Đáng lưu ý, phần lớn đội tàu của Vosco có lịch sử đầu tư lâu, quy mô tàu nhỏ, trong khi xu hướng khách hàng là sử dụng các tàu mới và có thân lớn, sức chứa cao để tăng hiệu quả vận hành.

Nhìn chung, giá cước vận tải một số khu vực liên quan tới tuyến biển Đỏ tăng cao đã giúp triển vọng ngành vận tải biển sáng hơn, nhưng không phải tất cả các tuyến đều hưởng lợi, đặc biệt đối với hãng tàu Việt Nam chỉ khai thác tuyến nội địa, nội Á.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO