Thông tin tài chính và giáo dục tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá hạn chế, bởi vậy nhà đầu tư rất cần những chia sẻ có kiến thức, có tâm.
Lê Như An là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, như anh nhận xét là bản thân đã trả học phí rất lớn cho “Ngài thị trường”. Vốn làm việc trong ngành đào tạo, anh rất chịu khó chia sẻ với các nhà đầu tư, đó có thể là các bản phân tích kỹ về doanh nghiệp, cũng có thể là những nhận định về xu hướng thị trường, những cảnh báo để nhà đầu tư không Fomo quá đà. Anh là một trong những cây bút tài chính được theo dõi nhiều trên thị trường chứng khoán. Group mà An quản trị trên Facebook thu hút nhiều thành viên có kiến thức tham gia, chia sẻ nhiều góc nhìn hữu ích về thị trường và doanh nghiệp.
Động lực khiến anh thường xuyên và tâm huyết chia sẻ thông tin và góc nhìn phân tích với nhà đầu tư, theo chia sẻ của An: “Đó là niềm đam mê rất lớn với thị trường chứng khoán, tìm kiếm những doanh nghiệp thực sự tốt để có thể giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn khi đầu tư cổ phiếu”.
Cá nhân An cũng muốn để lại những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân với học phí rất lớn đã trả cho “Ngài thị trường”.
“Dù sau này mình không còn thì ít nhất những kiến thức đó cũng được lưu lại, chia sẻ dù đúng hay chưa chính xác hoàn toàn”, An trải lòng.
Nói về truyền thông tài chính tại Việt Nam, An nêu quan điểm: “Dù truyền thông có mạnh đến đâu thì vẫn phải dựa vào nội tại nền kinh tế đang như thế nào. Gần đây tôi thấy mảng truyền thông tài chính đang được coi trọng và phát triển hơn. Có thể đó cũng chính là xu hướng mà giới trẻ hướng tới trong việc độc lập về tài chính”.
Để có được những truyền thông tài chính tốt, thì ta vẫn cần quay về bài toán ban đầu: Chất lượng của những doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Tức là khi chắt lọc được những doanh nghiệp thực sự tốt lên sàn thì việc truyền thông sẽ phù hợp và hiệu quả hơn.
Cũng là người ưa thích công nghệ, song dưới góc nhìn của cây bút Lê Như An, trí tuệ nhân tạo (AI) khó có thể thay thế các cây bút tài chính. Anh nhận xét, bất cứ AI nào cũng vẫn là tổng hợp lại những kiến thức – kinh nghiệm sống… từ nhiều nguồn, nên nó có thể hiểu là 1 cuốn từ điển, nhưng lại không có được những cảm xúc, góc nhìn riêng khi so sánh với những cây bút tài chính tự viết bằng những kiến thức, kinh nghiệm và cảm xúc của mình. Do đó, những cây bút tâm huyết và có kiến thức vẫn có “nhiều đất” để thỏa sức viết.
Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được trình Chính phủ để sớm ban hành, có các mục tiêu cụ thể: Quy mô thị trường đạt 100% GDP năm 2025, 120% GDP năm 2030, số tài khoản nhà đầu tư đạt 8% dân số vào năm 2025; 10% dân số năm 2030. Như vậy, tốc độ người dân tham gia đầu tư chứng khoán trong tương lai sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn trước. Xu hướng truyền thông tài chính bởi vậy, chắc chắn tiếp tục phát triển.
Việc hỗ trợ, đào tạo nhà đầu tư kiến thức tài chính, cung cấp chia sẻ thông tin đa dạng và kịp thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam như nỗ lực của Báo Đầu tư và các tờ báo khác rất tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Khi trao đổi về truyền thông tài chính, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích Đầu tư CTCK SSI (SSI Research) nhấn mạnh đến vai trò của thông tin, thông tin chính thống, chính xác đối với các nhà đầu tư trên thị trường.
Bà Phương cho rằng, thông tin “công khai, công bằng và dễ tiếp cận” là một trong các nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán. Thông tin chính thống là luồng thông tin mà các thành viên tham gia thị trường có nghĩa vụ công bố kịp thời, đầy đủ và chính xác đến nhà đầu tư, nhờ đó củng cố thêm tính hiệu quả trong các quyết định đầu tư và hạn chế tác động từ những nguồn thông tin sai lệch và không đáng tin cậy.
Nhà đầu tư hiện có thể dễ dàng tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn qua các kênh truyền thông và kể cả mạng xã hội. Điều này giúp tốc độ tiếp cận thông tin được nhanh chóng trong môi trường liên tục biến động, tuy nhiên mặt hạn chế là đôi khi các nguồn thông tin chồng chéo lẫn nhau khiến cho nhà đầu tư cần xác định được nguồn thông tin nào là được xác thực và đáng tin cậy. Thời gian tiếp cận thông tin sẽ chỉ giới hạn ở một mức độ nhất định nên khó đảm bảo là các thông tin nhà đầu tư nhận được là những thông tin chất lượng.
Hướng tới việc làm nghề có trách nhiệm, bà Phương kể rằng, chia sẻ với nhà đầu tư thông qua các kênh chính thống uy tín luôn là một trong các ưu tiên cao nhất với những người làm nghề tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ, đào tạo nhà đầu tư kiến thức tài chính, cung cấp chia sẻ thông tin đa dạng và kịp thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam như nỗ lực của Báo Đầu tư và các tờ báo khác, theo nhận xét của bà Phương, là rất tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Với đặc thù lực lượng nhà đầu tư cá nhân đông đảo, việc hỗ trợ và đào tạo kiến thức tài chính, cung cấp chia sẻ thông tin đa dạng và kịp thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam là định hướng đúng đắn, đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhà đầu tư. Qua đó, giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong việc ứng phó và xử lý trước các biến động. Thực tế, các cơ quan quản lý thị trường và các tổ chức trung gian đã lưu tâm đến việc này trong thời gian gần đây.
“Truyền thông chứng khoán nói chung và hệ thống Báo Đầu tư nói riêng đã đồng hành với nhiều thế hệ nhà đầu tư từ khá sớm. Đứng ở vai trò của tổ chức trung gian đi cùng với sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, chúng tôi mong muốn hệ thống báo chí nhờ vào khả năng lan tỏa nhanh và rộng của mình tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thông tin chính thống, cũng như truyền tải nhiều hơn những phân tích và góc nhìn chuyên sâu từ các tổ chức/cá nhân uy tín đến cộng đồng đầu tư”, nữ chuyên gia đề xuất.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn