Áp lực chốt lời sau gần hai tuần năm tăng điểm khiến chỉ số VN-Index có nhịp điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua. Tuy vậy, diễn biến thị trường cho thấy nhà đầu tư đang rất khao khát các cơ hội đầu tư, khi thanh khoản sôi động rõ rệt.
Dòng tiền “tham lam” và “cơ hội”
Ngay từ đầu năm mới, thông tin liên quan đến ngành ngân hàng đã tạo tâm lý tích cực cho giới đầu tư. Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2024 là 15% và giao hết chỉ tiêu cho các nhà băng ngay từ đầu năm. Nhóm cổ phiếu “vua” nổi sóng sau thông tin trên, nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử.
Tính từ đầu năm đến ngày 11/1, thị giá BID tăng hơn 6%, lên vùng 46.500 đồng/cổ phiếu (tăng 12% trong 1 tháng gần nhất); VCB tăng 11,2%; ACB tăng 5,65%; STB tăng 5,5%; MBB tăng 10,72%; SHB tăng 12%, CTG tăng 14,4%; TCB tăng 7,4%; EIB tăng 8,45%… Nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sắc xanh áp đảo, nhưng có mức biến động đáng kể, tập trung ở các cổ phiếu đầu ngành, được dự báo có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, hoặc các ngân hàng đang có câu chuyện riêng, nhiều cổ phiếu còn lại chỉ tăng nhẹ hoặc thậm chí giảm nhẹ.
Nhiều nhà đầu tư đang tận dụng nhịp sóng mới để “Tết có bánh chưng” |
Phiên giao dịch ngày 12/1, dù thị trường đỏ lửa, dòng bank vẫn giao dịch tích cực. Thậm chí, giá cổ phiếu ACB còn lên mức cao nhất lịch sử.
Thông tin các ngân hàng ước tính lãi quý IV/2023 tăng trưởng không mới nhưng giúp nhà đầu tư an tâm “vào theo” khi thấy nhóm cổ phiếu này nổi sóng.
Hành động FOMO đã xuất hiện giúp cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh rất nhẹ nhàng sau khi tăng đáng kể. “CTG mãi đỉnh” – nhà đầu tư Lê Hoàng chia sẻ khi “đu” cổ phiếu này ở phiên tăng thứ hai, một cảm giác sung sướng khi trước đó thường xuyên “mất niềm tin vào thị trường” vì hầu như “đánh đâu thua đó”.
CTG, cùng với ACB là cặp đôi có tín hiệu tăng tốc sớm trong nhóm ngân hàng. CTG được chú ý nhờ những yếu tố: kinh doanh ổn định, tăng trưởng lãi thuần 10%/năm, giảm áp lực chi phí vốn trong quý IV/2023, bộ đệm rủi ro vững chắc 172%. Quan trọng hơn, định giá của cổ phiếu này được cho là thấp trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối (Big4), với P/B chỉ 1,1 lần, trong khi BID là 2,13 lần, VCB 2,91 lần. CTG vẫn còn trống room cho nhà đầu tư ngoại và thực tế là vài phiên gần đây, CTG được khối ngoại mua ròng. Trước các thông tin này, nhiều dự đoán CTG còn dư địa tăng trưởng giá cổ phiếu tốt hơn.
Giai đoạn này, nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm cổ phiếu:
Thứ nhất, nhóm bất động sản khu công nghiệp, bởi sau Tết Nguyên đán, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sang Việt Nam thực hiện chính thức các hợp đồng thuê đất, xây dựng nhà máy, tạo thông tin tích cực cho thị trường.
Thứ hai, bất động sản dân dụng cũng có thể quan sát, khi các chính sách tiếp cận vốn thông thoáng hơn và giá cổ phiếu chiết khấu khá sâu trước đó.
Thứ ba là đầu tư công, nhiều dự án mới, quy mô lớn tiếp tục được triển khai trong năm nay, các doanh nghiệp xây dựng, cung cấp nguyên vật liệu (sắt, thép, đá, xi măng) sẽ được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, cơ hội có thể đến với nhóm chứng khoán, dầu khí.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng có thông tin “hành lang”, “tin kỳ vọng” cũng tăng khá mạnh như EIB, SHB… SHB là cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân để ý nhiều hơn khi có thông tin một nhà đầu tư cá nhân nổi tiếng trên thị trường đã mua vào. Đây là nhà đầu tư được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội (giai đoạn năm 2021 – 2022, khi thị trường bùng nổ nhờ làn sóng nhà đầu tư F0), nổi bật với các chia sẻ về kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, cũng như thương vụ vào hàng tại HAG, STB… và nhiều cổ phiếu khác.
Hay với EIB, thông tin hỗ trợ là quý IV/2023, ngân hàng này được hoàn nhập dự phòng nhờ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã trả món nợ xấu 750 tỷ đồng; lãi dự kiến gần 1.300 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ 2022. Các chỉ số tài chính khác của EIB được cải thiện đáng kể, giá trị sổ sách gia tăng. Cổ phiếu EIB còn được kỳ vọng từ việc Ngân hàng bán hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ từ 15/1 – 7/2, và dù có nhiều tin đồn ở việc EIB có “chủ mới” nhưng nhiều môi giới lâu năm nhìn nhận, chưa có thông tin chính thống cũng như chưa có nhiều thông tin rõ ràng để đánh giá được “sự trở lại” của EIB thông qua chiến lược kinh doanh, từ đó đánh giá tiềm năng thực sự của EIB ở đâu.
Xét về định giá, P/B trượt của EIB 1,54 lần là cao, trong bối cảnh ngân hàng suy giảm kết quả kinh doanh trong 2 quý gần nhất, ROE thấp và chất lượng tài sản thuộc nhóm dưới khi mà nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) ở mức 1,05% và nợ xấu ở mức 2,64%.
Ngân hàng, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường, thường chiếm khoảng 30% tổng vốn hoá toàn thị trường, được mệnh danh “nặng mông”, nên việc cổ phiếu trong thời gian ngắn có thể tăng 6 – 14% là rất đáng ghi nhận, cho thấy dòng tiền trong thị trường khá mạnh mẽ, tâm lý nhà đầu tư đâu đó sau các sóng gió đang vững vàng và lạc quan hơn.
Diễn biến tương tự ở nhóm cổ phiếu bất động sản dân dụng. Chỉ mới đầu tuần qua, trước thông tin Quốc hội nhóm họp từ ngày 15/1/2024 để xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cộng thêm thông tin về tái khởi động đấu giá đất Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM đã khiến nhóm cổ phiếu bất động sản (nhất là nhóm cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có liên quan đến dự án ở khu vực này), ngay lập tức nổi sóng mạnh. Không khó để điểm danh các cổ phiếu tăng nổi bật, kịch trần như cặp đôi CII – NBB, hay xanh mướt như NVL, DXG, PDR…
Có thể thấy, trong giai đoạn này, tâm lý tham lam của nhà đầu tư được bộc lộ rõ ràng hơn giai đoạn trước, nhất là qua các thông tin kỳ vọng chưa rõ ràng nhưng về góc độ kỹ thuật thể hiện dòng tiền đang rất mạnh mẽ. Với sự dẫn dắt và giữ nhịp của nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tiếp vài phiên và chưa có sự điều chỉnh rõ ràng, dù tín hiệu kỹ thuật đã báo tín hiệu quá mua, cũng như nhiều khuyến nghị từ các nhân sự tư vấn chứng khoán “cổ phiếu ngân hàng đã qua thời điểm tốt nhất/an toàn để mua, nhà đầu tư không đua cổ phiếu nhóm này” thì sự cảnh giác cũng chưa được quá quan tâm.
Ghi nhận từ nhiều nhà đầu tư, họ đang rất kỳ vọng có thể tận dụng nhịp sóng mới để “Tết có bánh chưng”, hay sau Tết, thị trường tiếp tục có khởi đầu suôn sẻ khi năm 2024 được các chuyên gia dự báo là vùng đáy và sẽ hồi phục đi lên.
Không chỉ kỳ vọng “bánh chưng” cho Tết
Rõ ràng, nếu nhìn vào dòng tiền trên thị trường, đâu đó cho cảm giác về sự năng động của dòng tiền đang được nâng cao hơn, dù các e ngại hiện hữu về góc độ cơ bản vẫn chưa được giải quyết.
Chia sẻ từ nhân sự quản lý một nhóm tư vấn chứng khoán với giá trị tài sản ròng (NAV) lớn tại công ty chứng khoán Top đầu thị phần môi giới, chỉ số VN-Index có ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng 1.180 điểm là xu hướng giảm từ năm 2022 đến nay. Dòng tiền tập trung chủ đạo vào nhóm bank hiện tại và đang hơi thái quá khi toàn ngành đều vượt trên đường trung bình tuần và tháng trên đồ thị kỹ thuật giá.
Trước Tết Nguyên đán, chỉ số VN-Index dự báo dễ có rung lắc, điều chỉnh về tầm 1.140 điểm, là vùng MA200 vừa vượt. Nhà đầu tư có tâm lý rút bớt tiền để nghỉ ngơi khiến thị trường khó tăng mạnh. Có những phiên thị trường tăng tốt, nhóm ngân hàng đều tăng, nhưng hầu hết các ngành tăng mạnh trước đó đều giảm. Nhóm ngân hàng có 2 lần kéo xả liên tục trong phiên, cuối phiên vẫn kéo mạnh được – đây là các tín hiệu trong phiên mà nhà đầu tư cần quan tâm.
Nhưng sau Tết, nhà đầu tư có thể kỳ vọng chứng khoán tăng khi dòng tiền quay trở lại, với bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ôn hoà hơn và có thể sớm đảo chiều chính sách. Mặt bằng lãi suất tiền gửi trong nước đang quá thấp, còn giá vàng biến động mạnh (chênh lệch giá bán ra và mua vào tầm khoảng gần 3 triệu đồng), nhất là khi Chính phủ khẳng định không để giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá cao, khiến kênh tiết kiệm và đầu tư vàng kém hấp dẫn. Quý I và quý IV hàng năm thường là mùa cao điểm tiêu dùng, mua sắm nên kỳ vọng các nhóm ngành thời vụ có kết quả kinh doanh tích cực. Dĩ nhiên, nhà đầu tư cần quan sát thêm tín hiệu về phục hồi xuất khẩu cũng như các tín hiệu từ những chủ đề lớn trong năm là đầu tư công và giải ngân tín dụng.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, diễn biến dòng tiền trong những ngày qua cho thấy nhà đầu tư có sự quan tâm nhiều hơn tới kênh chứng khoán, bớt thận trọng hơn trước. Nhà đầu tư cũng có khuynh hướng tận dụng cơ hội tìm lợi nhuận đầu tư, vì dòng tiền này nằm sẵn và chờ đợi lâu.
“Sự sốt ruột là có, nên tâm lý chờ cơ hội để giải ngân và đây là cơ hội”, ông Phương nói. Từ đâu mà nhìn ra cơ hội? Khối ngoại giảm bán ròng, đan xen mua ròng, nên tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng bớt quan ngại. Thứ hai, lạm phát đạt đỉnh tại Mỹ và EU, nên Fed không tăng lãi suất, gần như phát tín hiệu sớm đảo chiều giảm lãi suất từ cuối quý I/2024… Đây là cơ sở cho niềm tin vào tiềm năng phía trước. Quan trọng không kém, vẫn là câu chuyện về chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, thông qua đẩy mạnh đầu tư công, các dự án công trình lớn được thúc đẩy…”, ông Phương phân tích.
Tuy nhiên, ông Phương cũng ghi nhận hiện tượng nhà đầu tư đâu đó có e ngại khi cả năm 2023, thị trường chứng khoán ở xu hướng giảm nhiều hơn, khó tìm kiếm lợi nhuận, dễ thua lỗ hơn, nên tâm lý đầu tư ngắn hạn là nhiều. Giai đoạn này, các quỹ đầu tư cũng chưa giải ngân mạnh, nên lực cầu cho thị trường từ nhà đầu tư chuyên nghiệp chưa đủ mạnh để an tâm.
Sau bank – thép, có đến “chứng”?
Theo ông Phương, thị trường chứng khoán trong nước vẫn diễn biến theo xu hướng rung lắc, xanh – đỏ luân phiên và cho tới qua Tết Nguyên đán, dòng tiền mới được kích hoạt nhiều hơn. Có cơ sở cho nhận định dòng tiền từ các quỹ ETF trên thế giới vào Việt Nam đảo chiều (rút ròng mạnh trong năm 2023, năm 2024 sẽ ngược lại) đến từ lãi suất Fed đảo chiều. Giai đoạn cuối tháng 2 và 3, các doanh nghiệp công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2024 cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Ông Phương kỳ vọng, thanh khoản thị trường sẽ sớm tăng lên 20.000 – 25.000 tỷ đồng/phiên, chỉ số tiếp tục tăng, dao động quanh ngưỡng 1.200 điểm.
“Sóng dẫn đầu bởi nhóm ngân hàng, rồi sẽ tới tài chính – chứng khoán, bất động sản công nghiệp, dân dụng, thép, dầu khí…”, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo.
Từ góc nhìn của một số chuyên viên tư vấn đầu tư, thông tin cấp room tín dụng toàn hệ thống 15% là “một thông tin rất hợp lý, đúng thời điểm” để dòng tiền lớn chảy vào thị trường chứng khoán và đẩy giá cổ phiếu ngân hàng đi lên, song nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo, tránh FOMO. Năm 2024, rủi ro nợ xấu vẫn đe dọa nhóm này. Nếu các “nút thắt” trên thị trường bất động sản được tháo gỡ sẽ hỗ trợ tích cực cho cả hai nhóm ngành này.
“Nếu dựa vào phân tích kỹ thuật, sóng bank dự kiến còn tầm 2 tháng. Trong ngắn hạn, khả năng cao sắp có điều chỉnh ở nhóm này”, Giám đốc kinh doanh một công ty chứng khoán trong Top 5 thị phần môi giới chia sẻ.
Nhóm cổ phiếu được vị này kỳ vọng tiếp theo là thép, khi nửa đầu năm 2023 có kết quả kinh doanh giảm sâu, thua lỗ thì quý I/2024 chỉ cần có lãi là đã tăng trưởng mạnh. Dòng tiền sẽ chọn cổ phiếu tăng trưởng, nên dòng thép cũng kỳ vọng có sóng.
Vị này có quan điểm riêng về cổ phiếu bất động sản. Theo đó, nhóm này sẽ không có sóng lớn và tiếp tục phân hóa vì chưa nhìn thấy cơ sở rõ ràng cho việc hồi phục kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công (TCI) cho rằng, nhóm cổ phiếu hưởng lợi giai đoạn đầu năm cần đáp ứng được những tiêu chí sau:
Thứ nhất, hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất. Tháo gỡ khó khăn kinh tế là mục tiêu hàng đầu hiện nay của Chính phủ, khi các mục tiêu khác như lạm phát và tỷ giá không còn là nỗi lo trong năm 2024. Các ngân hàng đã hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hơn trong năm nay (mục tiêu của Chính phủ là 15%). Thậm chí, nhiều bên kỳ vọng rằng sẽ có một đợt hạ lãi suất nữa của các ngân hàng thương mại nếu Fed hạ trong quý I này.
Thứ hai, hồi phục trên mức nền thấp. Nhiều ngành có kết quả kinh doanh rất tệ trong năm 2023, khi kinh tế yếu đi và tác động của môi trường lãi suất cao, đặc biệt là nhóm ngành chu kỳ. Với kỳ vọng những thứ xấu nhất đã xảy ra trong nửa đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh của các nhóm ngành trên sẽ dần hồi phục trong năm nay.
Thứ ba, định giá hấp dẫn. Khi mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài về quanh mức 5%/năm, các cổ phiếu có dòng tiền tốt, đặc biệt là cổ tức cao sẽ thu hút dòng tiền thời gian tới, từ đó đưa tỷ suất cổ tức về mức hợp lý
Từ ba cơ sở trên, nhóm phân tích TCI cho rằng, ngành ngân hàng và nhóm cổ phiếu giá trị sẽ thu hút dòng tiền trong nửa đầu năm 2024. Sau ngân hàng, thép, thì chứng khoán là nhóm được “bình chọn” khá cao. Kỳ vọng của nhóm này được lặp lại khá nhiều liên quan tới câu chuyện hệ thống giao dịch KRX sẽ được đưa vào vận hành, nên hiện đã không còn tác dụng nhiều, nếu chỉ dừng ở mức độ thông tin thông thường với nhóm này. Giá cổ phiếu ngành chứng khoán đã phản ánh kỳ vọng của thị trường, định giá theo P/B không còn rẻ, còn theo P/E là đắt. Dĩ nhiên, triển vọng thị trường chứng khoán 2024 tích cực hơn năm 2023 là điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Cũng có các cổ phiếu có câu chuyện riêng, như việc tăng vốn của các công ty chứng khoán cũng mở ra kỳ vọng hút được dòng tiền trên thị trường (SSI, VND, TPS, HCM…), nhưng việc bám sát tiến độ phê duyệt hồ sơ cũng rất quan trọng. Hay các cổ phiếu cộng hưởng với việc chuyển sàn, như TCI, hay việc DNSE đang tiến hành IPO và sẽ niêm yết cũng thu hút sự quan tâm trên thị trường.
Theo bà Ngô Thị Lệ Thanh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (mã ORS), P/B của nhóm chứng khoán đang cao hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Tuy vậy, nhóm chứng khoán đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời kết quả kinh doanh có thể tạo đáy từ quý I/2023. Cùng với đó, triển vọng thị trường năm 2024 dự báo tích cực khi Fed đi đến cuối quá trình thắt chặt và phát tín hiệu sớm đảo chiều chính sách. Định giá thị trường hấp dẫn khi P/E lùi về quanh -1 độ lệch chuẩn trung bình 10 năm và kế hoạch nâng hạng tiếp tục được thúc đẩy. Chính bởi vậy, các cổ phiếu có mức định giá theo P/B chưa tăng quá nhiều so với trung bình 5 năm gần nhất, thị phần thuộc nhóm dẫn đầu và dư địa mở rộng hoạt động cho vay như SSI, VND, HCM và VDS sẽ là cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn