Trong danh sách 10 công ty niêm yết báo lãi ròng lớn nhất quý 2 thì Vinhomes là cái tên dẫn đầu với khoản lợi nhuận sau thuế lên đến 9.713 tỷ đồng.
Thống kê báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, CTCP Vinhomes (mã: VHM) là doanh nghiệp dẫn đầu trong top 10 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế nghìn tỷ trong quý 2/2023.
Theo đó trong quý 2/2023, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần lên đến 32.833 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.713 tỷ đồng, lần lượt gấp 7,3 lần và gần 13 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes đạt 62.100 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính, tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi trong nửa đầu năm 2023 của Vinhomes đạt 75.578 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Vinhomes báo lãi sau thuế 21.636 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.
Xếp thứ 2 trong danh sách là Tổng công ty khí Việt Nam (mã: GAS) với khoản lãi ròng quý 2 lên đến 3.196 tỷ đồng. Dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ tiêu này vẫn giảm đến 38%.
Luỹ kế nửa đầu năm, GAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 45.257 tỷ đồng, giảm 17% và lãi sau thuế 6.613 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Dù kết quả thua sút nhưng do đặt mục tiêu giảm khá sâu so với thực hiện 2022, GAS đã vượt 1,1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng.
Đứng thứ 3 là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) với lợi nhuận sau thuế ở mức 2.229 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2022 và tăng 16,5% so với quý 1/2023. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt lần lượt 29.113 tỷ đồng và 4.135 tỷ đồng, tăng 1% về doanh thu và giảm 5,7% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Sau 6 tháng, Vinamilk đã hoàn thành lần lượt 46% mục tiêu doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tiếp theo là ông lớn ngành công nghệ – Công ty Cổ phần FPT. Doanh thu thuần trong quý 2 của FPT đạt 12.484 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế của tập đoàn là 1.855 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu FPT đạt 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.339 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.665 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 52.289 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.055 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2023.
Cùng góp mặt trong danh sách lãi ròng nghìn tỷ trong quý 2 là CTCP Gemadept (mã: GMD) với khoản lãi ròng 1.711 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoản lợi nhuận lớn nhất mà doanh nghiệp từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
Lũy kế 6 tháng, Gemadept ghi nhận 1.814 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp cảng biển này lãi ròng 1.966 tỷ đồng, gấp 3,3 lần thực hiện năm trước.
Về phần mình, khép lại quý 2/2023, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã: MCH) thu về gần 1.850 tỷ đồng lợi nhuận kế toán trước thuế và 1.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 46,5% và 55,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Masan Consumer báo lãi ròng 3.047 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 2 năm nay với lợi nhuận sau thuế là 1.447 tỷ đồng, số lãi này đã cao gấp 3,78 lần so với quý 1 liền trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.831 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm nay, công ty đã hoàn thành 23% chỉ tiêu lợi nhuận.
Góp mặt trong danh sách này còn có ông lớn ngành dầu khí – CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với 1.326 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận 67.735 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.949 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 22%, 76% so với cùng kỳ. Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 95.645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.628 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, BSR đã vượt 81% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
2 cái tên còn lại là CTCP Vincom Retail (mã: VRE) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB).
Với Sabeco, trong quý 2/2023 công ty này ghi nhận doanh thu thuần 8.312 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.210 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần ở mức 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 2.214 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, qua đó hoàn thành 38% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm.
Về phần mình, Vincom Retail thu về 2.173 tỷ đồng tổng doanh thu thuần hợp nhất quý 2, còn lợi nhuận sau thuế ở mức 1.001 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng 2023, doanh thu thuần đạt 4.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.025 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 76% so với cùng kỳ.
Theo Cafef