Áp lực tỉ giá trong bối cảnh chỉ số đồng USD tăng mạnh, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, thiếu lực cầu bắt đáy khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh về cuối phiên, cổ phiếu giảm sàn hàng loạt.
Trái với kỳ vọng sẽ có lực cầu bắt đáy xuất hiện vào cuối phiên ngăn đà giảm của thị trường chứng khoán, VN-Index chốt phiên giao dịch chiều 3-10 ở mức thấp nhất trong phiên tại 1.118,1 điểm, khi giảm sâu 37,15 điểm (-3,22%). HNX-Index mất tới 4,24% khi về 226,68 điểm còn Upcom giảm 2,01 điểm về 86,68 điểm.
Thanh khoản thị trường cao hơn phiên ngày hôm qua nhưng vẫn chưa đến 1 tỉ USD khi sàn HoSE giá trị giao dịch hơn 21.000 tỉ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản nằm sàn la liệt vào cuối phiên 3-10. Ảnh: Vũ Vinh
Thị trường ngập trong sắc đỏ, riêng sàn HoSE có tới 481 mã giảm. Trong đó, 57 mã giảm hết biên độ, chiều ngược lại chỉ có 37 mã tăng nhẹ.
Nhiều mã cổ phiếu bất động sản, thép giảm sàn la liệt, một vài mã thậm chí xuống sâu hơn mức đáy hôm 27-9 như NVL, VND… Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không đỡ được thị trường khi các mã ở nhóm này cũng giảm mạnh từ 4%-6%.
Nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 1.190 tỉ đồng đối với cổ phiếu DPM, MWG, VHC, HDB…; trong khi bán hơn 1.340 tỉ đồng ở các cổ phiếu CTG, VPB, VIC, MSN… Tính chung, khối ngoại bán ròng hơn 155 tỉ đồng trong ngày.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, nhiều nhà đầu tư “toát mồ hôi” khi vừa bắt đáy cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần trước, đầu tuần này hoặc lỗ sau khi vừa mua cổ phiếu trong 1-2 phiên gần đây.
Trong khi những nhà đầu tư khác chưa kịp lấy lại được gì sau một vài phiên hồi phục đã tiếp tục lỗ nặng. Ngay cả những nhà đầu tư rủ nhau bắt đáy cổ phiếu trong phiên sáng và đầu phiên chiều hôm nay với kỳ vọng thị trường sẽ hồi vào cuối phiên nhưng thực tế lại thua lỗ nặng.
Các chỉ số liên tục dò đáy, cổ phiếu giảm sâu khiến nhiều nhà đầu tư bi quan về viễn cảnh thị trường chứng khoán trở lại xu hướng giảm như năm 2022.
Thị trường chứng khoán giảm gần 40 điểm về mốc thấp nhất trong 3 tháng qua. Ảnh: Lam Giang
Yếu tố nào khiến VN-Index tiếp tục lao dốc, về mức thấp nhất trong 3 tháng qua chỉ sau khoảng 2 tuần?
Ông Võ Kim Phụng, Phó trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán BETA, cho rằng áp lực tỉ giá đang là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư thận trọng những phiên vừa qua, thể hiện qua thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Đặc biệt, chỉ số đồng USD chỉ trong thời gian ngắn đã tăng từ vùng 100 điểm lên 107 điểm trong phiên hôm nay, tạo áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ.
“Quy định về các ngân hàng giảm vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng gây lo ngại đến vốn tín dụng cho bất động sản. Nhiều yếu tố tâm lý khuếch đại khiến thị trường giảm điểm mạnh và ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo của VN-Index là vùng 1.100 điểm, kỳ vọng sẽ phục hồi. Còn về xu hướng trung dài hạn của thị trường vẫn là tích cực” – ông Võ Kim Phụng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Mirae Asset, lại cho rằng yếu tố tăng của chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế và áp lực tỉ giá không tác động lớn đến VN-Index.
Quan trọng lúc này là tâm lý nhà đầu tư còn mong manh nên một vài thông tin cũng ảnh hưởng tới hành động của họ. Những phiên phục hồi của thị trường vừa qua chỉ là hồi kỹ thuật nên chỉ số USD không phải yếu tố lớn nhất để VN-Index giảm mạnh như phiên hôm nay.
“Thị trường khả năng còn rơi tiếp về mốc tâm lý 1.100 điểm của VN-Index. Khi thị trường giảm mạnh đã xóa sạch thành quả trước đó, về vùng định giá hợp lý hơn. Và giai đoạn này cần quan sát kỹ chứ chưa thể dự báo bởi chưa có kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Nếu thị trường tăng trở lại, cũng cần từ 3-4 tuần cho đến khi kết quả kinh doanh của khoảng 60%-70% doanh nghiệp niêm yết được công bố” – ông Nguyễn Nhật Khánh nói.
Theo Cafef