Chứng khoán Ấn Độ đã ghi nhận dòng vốn nước ngoài chảy vào nhiều nhất trong số các thị trường mới nổi ở châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) vào tháng 6.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,7 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ vào tháng 6, dòng tiền lớn nhất kể từ tháng 8/2022.
Elizabeth Soon, người đứng đầu bộ phận chứng khoán châu Á ngoài Nhật Bản tại Pinebridge Investments cho biết, lợi nhuận quý đầu tiên của Ấn Độ rất cao, giúp khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.
“Các ngành công nghiệp cốt lõi như xi măng, than đá, điện và thép cũng đang phát triển, với việc phân bổ đầu tư cổ phiếu từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường địa phương”, bà cho biết.
Mua/bán ròng của khối ngoại tại 7 thị trường chứng khoán ở châu Á trong năm nay |
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG cho biết, sự phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại đã chuyển hướng vốn vào thị trường Ấn Độ.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận dòng vốn nước ngoài ròng đổ vào trong tháng 6, khoảng 1,7 tỷ USD, nhờ sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ.
Minyue Liu, một chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas cho biết, triển vọng tích cực đối với chu kỳ phần cứng công nghệ toàn cầu và động lực tiếp tục cho các chủ đề công nghệ như AI có thể tiếp tục hỗ trợ dòng tiền đổ vào Đài Loan.
Philippines cũng nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài với số tiền là 97 triệu USD.
Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc bị rút ròng 1,2 tỷ USD khi cổ phiếu giảm do hoạt động kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc làm ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc. Indonesia và Thái Lan bị khối ngoại bán ròng lần lượt là 294 triệu USD và 242 triệu USD.
Tuy nhiên, nhìn chung, các thị trường châu Á này đã chứng kiến dòng vốn chảy vào mạnh mẽ trong năm nay sau khi dòng vốn chảy ra mạnh mẽ vào năm ngoái, do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bớt tích cực hơn với các biện pháp thắt chặt tiền tệ để giải quyết áp lực lạm phát.
Trong nửa đầu năm nay, dòng vốn ròng đổ vào thị trường chứng khoán của các thị trường này lên tới 26,6 tỷ USD, so với dòng tiền chảy ra ròng 57,5 tỷ USD trong cả năm ngoái.
Jun Rong của IG cho biết: “Trước mắt, chứng khoán châu Á có thể tiếp tục thu hút dòng vốn tích cực với môi trường rủi ro toàn cầu phổ biến, nhưng chúng ta vẫn đang leo lên bức tường lo lắng. Những kỳ vọng của thị trường dường như đang định giá cho một kịch bản hạ cánh mềm ở các nền kinh tế lớn như Mỹ”.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn