Đến cuối quý 2, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của FPT Telecom có số dư lên đến gần 10.500 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ so với đầu năm và chiếm gần một nửa tổng tài sản.
FOX:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom – mã FOX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 3.892 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp bị thu hẹp từ 49,2% cùng kỳ xuống còn 45,1%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 1.754 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với quý 2 năm ngoái.
Trong quý 2, doanh thu tài chính tăng 5% lên mức 211 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính được tiết giảm 6% so với cùng kỳ, xuống 119 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 5% lên mức 528 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 12% xuống còn 530 tỷ đồng.
Kết quả, FPT Telecom lãi trước thuế 791 tỷ đồng trong quý 2, tăng 6% so với quý 2/2022. Lãi ròng thu về 632 tỷ đồng, cũng tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 619 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý của doanh nghiệp viễn thông này kể từ khi lên sàn chứng khoán đầu năm 2017.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.682 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.524 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 4% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 1.212 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.198 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 47% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
FPT Telecom dự báo 2023 sẽ là năm khó khăn khi suy thoái diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số với mục tiêu doanh thu 16.730 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.230 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,6% và 14,6% so với thực hiện năm ngoái. Kế hoạch doanh thu từ dịch vụ viễn thông đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 13,1% và doanh thu từ dịch vụ nội dung số 940 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2022.
Thời điểm 30/6, tổng tài sản của FPT Telecom đã tăng mạnh 3.400 tỷ so với đầu năm lên mức 21.800 tỷ đồng. Sự gia tăng chủ yếu đến từ khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn với số dư cuối kỳ lên đến gần 10.500 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ so với đầu năm và chiếm gần một nửa tổng tài sản.
Mặt khác, nợ vay tài chính của FPT Telecom cũng đã tăng hơn 3.900 tỷ so với đầu năm, lên trên 9.000 tỷ đồng vào cuối quý 2. Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông này còn tích luỹ được hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Vừa báo lãi cao kỷ lục, FPT chốt ngày chi gần 1.300 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2023
Theo Cafef