Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, mốc 1.120 điểm vẫn phát huy tốt vai trò là ngưỡng hỗ trợ của VN-Index. Đáng chú ý, họ Apec gồm API, APS và IDJ bị bán tháo ồ ạt.
Bỏ mặc sự nghi ngờ của giới đầu tư, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần vừa qua và chỉ số VN-Index vượt thành công mức kháng cự là đường SMA 200 tuần cùng thanh khoản tiếp tục giữ ở mức trên trung bình 20 tuần.
Ở khung đồ thị ngày, mặc dù áp lực bán tại vùng kháng cự 1.120-1.130 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8% và vùng đỉnh tháng 1/2023) vẫn đang gây sức ép nhưng thị trường vẫn tiếp tục đi lên và gần như vượt được mức cản này vào ngày cuối tuần (23/6). Sự vận động này cho thấy áp lực chốt lời giờ đây đã không còn mạnh như 2 lần chỉ số tiến vào vùng kháng cự mạnh này trong tuần 12-16/6.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest, với những diễn biến vĩ mô còn tiêu cực thì thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy bền vững. Góc nhìn giao dịch tuần tới sẽ thiên về thận trọng. Một điểm nữa là tuần sau cũng là tuần chốt NAV nên nhóm bluechip vốn hóa lớn tăng mạnh hơn nhóm vốn hóa nhỏ.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 26/6, sự tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index mở cửa tiếp tục duy trì đà tăng điểm.
Tuy nhiên, chỉ số chung chỉ mới vượt qua được mốc 1.130 điểm thì bắt đầu gặp lực cản. Sau khoảng gần 40 phút mở cửa, áp lực bán dần gia tăng mạnh đã khiến thị trường chuyển đỏ và VN-Index đảo chiều giảm rồi lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.
Chỉ số chung chỉ ngắt đà rơi khi tiệm cận ngưỡng 1.120 điểm. Lực cầu đã được kích hoạt tại vùng giá này, giúp thị trường bật hồi. Tuy nhiên, trước áp lực bán trên diện rộng, chỉ số VN-Index khó tiến xa.
Sau khoảng 90 phút mở cửa, trên sàn HOSE, số mã giảm điểm gấp gần 5 lần số mã tăng, chỉ số VN-Index tiếp tục giật lùi về sát mốc 1.120 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch tại thời điểm này vượt mức 8.500 tỷ đồng.
Hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm, ngoại trừ 2 nhóm nhỏ là sản phẩm cao su và vận tải – kho bãi tăng nhẹ. Trong khi đó, nhóm chứng khoán là một trong số giảm sâu của thị trường, đáng kể là VIX bị xả bán ồ ạt khi giao dịch quanh mức giá sàn với thanh khoản đột biến lên tới gần 40 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu họ Apec. Sau khi nhận tin xấu vào cuối tuần, bộ 3 cổ phiếu trong nhóm này gồm IDJ, APS và API đều bị bán tháo và nằm sàn. Trong đó, IDJ dư bán sàn tới hơn 20 triệu đơn vị, APS dư bán sàn hơn 12,5 triệu đơn vị, API dư bán sàn hơn 6 triệu đơn vị, và thanh khoản của các mã này khá thấp với khối lượng khớp lệnh chỉ trên dưới nửa triệu đơn vị.
Áp lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, nhờ lực cầu mạnh đã giúp VN-Index không giảm quá sâu và mốc 1.120 điểm tiếp tục đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ khá tốt cho thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 333 mã giảm, gấp hơn 4 lần số mã tăng (81 mã), HOSE-Index giảm 5,61 điểm (-0,5%) xuống 1.123,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 465,81 triệu đơn vị, giá trị 9.278 tỷ đồng, tăng hơn 32% về lượng và 27,95% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,79 triệu đơn vị, giá trị 1.066,8 tỷ đồng.
Điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường, xác lập giá trị phiên giao dịch sáng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, các mã có giao dịch sôi động nhất thị trường là VIX đạt 46,76 triệu đơn vị, NVL khớp hơn 34 triệu đơn vị, GEX và VND khớp lệnh trong khoảng 20-30 triệu đơn vị, cùng nhiều mã khớp hơn chục triệu đơn vị.
Tuy nhiên, lực đỡ chính giúp thị trường hãm đà giảm mạnh đến từ một số mã lớn như VNM tăng hơn 1%, GAS tăng 0,84% và VIC tăng 0,38%.
Xét về nhóm ngành, số nhóm tăng vẫn khá hạn chế và chủ yếu là nhóm nhỏ, không chi phối lớn tới chỉ số chung. Trong đó, nhóm sản phẩm cao su tiếp tục dẫn đầu với mức tăng hơn 1%, nhờ sự đóng góp của DRC tăng gần 2% và CSM tăng 0,72%.
Ở chiều ngược lại, đà giảm của nhóm chứng khoán có chút thu hẹp nhưng vẫn có mức giảm khá sâu, cụ thể VND giảm 2,8%, SSI giảm 2,1%, HCM giảm 1,9%, VCI giảm 2%… Trong đó, VIX dù nhận được lực cầu khá lớn nhưng áp lực bán tháo mạnh khiến mã này chốt phiên sáng giảm 7% xuống mức giá sàn 11.350 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 46,76 triệu đơn vị và dư bán sàn 0,22 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, sắc đỏ vẫn bao phủ trên diện rộng, đáng kể là QCG sau 3 phiên hồi phục mạnh mẽ đã trở lại nằm sàn và chốt phiên sáng nay tại mức giá 10.100 đồng/CP, thanh khoản giảm mạnh khi chỉ có 0,37 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi dư bán sàn 1,24 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn có những mã ngược dòng thành công, điển hình là NVL dù có thời điểm rung lắc và đảo chiều giảm nhưng lực cầu mạnh đã giúp mã này khởi sắc trở lại và tạm dừng phiên sáng tăng 1,7% lên mức 14.750 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua VIX, đạt hơn 34,33 triệu đơn vị. Ngoài ra, VCG và KBC tăng trong biên độ 1% và khớp lệnh trên dưới 10 triệu đơn vị…
Dòng bank cũng trong xu hướng giảm của thị trường, ngoại trừ duy nhất ACB ngược dòng thành công khi tăng 1,14% lên mức 22.150 đồng/CP. Trong đó, hầu hết đều chỉ giảm trên dưới 1%, còn STB giảm mạnh nhất khi mất 3,14% và chốt phiên tại mức giá 29.350 đồng/CP, nhưng thanh khoản tốt nhất ngành với hơn 19 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, áp lực bán trên diện rộng với sức ép lớn từ nhóm HNX30 khiến thị trường giảm sâu hơn về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 39 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 2,42 điểm (-1,04%) xuống 229,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77 triệu đơn vị, giá trị 1.264 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,47 triệu đơn vị, giá trị 10,93 tỷ đồng.
Họ Apec vẫn trong trạng thái dư bán sàn chất đống sau tin xấu. Chốt phiên, APS, API và IDJ đều đứng tại mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh vài trăm nghìn đơn vị, nhưng lượng dư bán sàn tương ứng đạt 12,93 triệu đơn vị, hơn 6,3 triệu đơn vị và 20,96 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, chỉ số chung chịu áp lực lớn từ các mã bluechip như SHS giảm 2,9%, HUT giảm 2,5%, IDC giảm 1,2%, CEO giảm 2,3%, MBS giảm 3,6%… Trong đó, SHS vẫn là vua thanh khoản trên sàn HNX với hơn 24,84 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa vị trí thứ 2 thuộc về CEO đạt gần 6,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tuy nhiên, vẫn có những mã trong nhóm HNX30 ngược dòng thành công, điển hình là PVS tăng 1,6% lên mức 32.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 4,23 triệu đơn vị; TAR tăng 1,9% lên 16.400 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên mở cửa tăng nhẹ, thị trường cũng nhận “tín hiệu đỏ” từ sàn niêm yết và quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,48%) xuống 85,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,65 triệu đơn vị, giá trị 485,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,56 triệu đơn vị, giá trị 26,56 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR chốt phiên giảm nhẹ 0,6% xuống mức 17.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt xấp xỉ 4,7 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, SBS khớp hơn 4 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 3,8% xuống mức 7.700 đồng/CP.
Đáng chú ý, cổ phiếu VGI ngược dòng khởi sắc khi tăng 3,8% lên mức 24.400 đồng/CP với giao dịch sôi động, đạt gần 1,5 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn