Phố Wall đã giảm mạnh vào thứ Năm (6/7), sau khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất mạnh mẽ đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng vọt và dấy lên lo ngại Fed sẽ mạnh tay trong việc tăng lãi suất.
Theo báo cáo việc làm của ADP, số việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ đã tăng 497.000 việc làm mới vào tháng 6. Dữ liệu cho tháng 5 đã được điều chỉnh cho thấy 260.000 việc làm mới vào thay cho 278.000 như báo cáo trước đó. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo việc làm tư nhân chỉ tăng 228.000.
Bản báo cáo làm dấy lên lo ngại về những động thái tiếp theo của Fed. Giới đầu tư cho rằng với một thị trường việc làm còn mạnh như thế này, Fed còn phải tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ sự suy yếu nào trong thị trường lao động. Fed không phải lo lắng về thị trường việc làm. Khi bạn nhìn vào nhiệm vụ của Fed, họ không có lý do gì để không tiếp tục tăng lãi suất và giữ mức lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài”, Brad McMillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network cho biết.
Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt sau dữ liệu từ thị trường lao động, với kỳ hạn 10 năm tăng vọt trên 4%, trong khi kỳ hạn 2 năm – thường nhạy cảm với lãi suất đã đạt mức cao nhất trong 16 năm.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones giảm 366,38 điểm (-1,07%), xuống 33.922,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,23 điểm (-0,79%), xuống 4.411,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 112,61 điểm (-0,82%), xuống 13.679,04 điểm.
Chứng khoán châu Âu lao dốc, giảm mức thấp nhất trong ba tháng, do lo ngại gia tăng về việc tăng lãi suất hơn nữa trên toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,42% xuống 446,85 điểm, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Trong đó, CAC 40 của Pháp, dẫn đầu mức giảm trong khu vực, mất 3,1%.
Những lo lắng về lãi suất cao hơn trong thời gian dài đã trở nên trầm trọng hơn, sau khi một cuộc khảo sát cho thấy bảng lương của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng Sáu, cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ bất chấp rủi ro suy thoái ngày càng tăng do môi trường lãi suất.
“Chứng khoán đã chịu áp lực nặng nề trong phiên giao dịch ngày thứ Năm sau biên bản đầy ‘diều hâu’ của Fed, nhưng bảng lương ADP mạnh mẽ mới thúc đẩy lực bán tháo”, Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường trưởng tại nền tảng giao dịch trực tuyến IG cho biết.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2008 năm của Đức, vốn rất nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất, đã tăng cao nhất kể từ mùa thu năm 2008, cũng gây áp lực lên thị trường.
Các ngành lớn như công nghệ giảm 3% và lĩnh vực bất động sản giảm 4,2%.
Trong khi đó, chuyến đi đầu tiên của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc sẽ nằm trong tầm ngắm theo dõi của các nhà đầu tư, vì bà có khả năng tập trung vào việc điều chỉnh lại mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi các hạn chế mới của Bắc Kinh đối với xuất khẩu một số kim loại gây ra căng thẳng.
Kết thúc phiên 6/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 161,60 điểm (-2,17%), xuống 7.280,50 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 409,04 điểm (-2,57%), xuống 15.528,54 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 228,52 điểm (-3,13%), xuống 7.082,29 điểm.
Giá dầu gần như ít biến động, do thị trường cân nhắc nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn với khả năng Mỹ tăng lãi suất cao hơn có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,01 USD/thùng (+0,01%), lên 71,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,13 USD/thùng (-0,17%), xuống 76,52 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn