Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Hai (17/7), khi các nhà đầu tư hướng tới các công ty lớn tiếp theo trong mùa báo cáo tài chính quý vừa qua.
Các công ty dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này bao gồm Tesla và Netflix, và các ngân hàng lớn như Bank of America, Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng đang trên đà công bố kết quả sau các báo cáo từ JP Morgan và Citigroup vào tuần trước.
Giới phân tích dự báo lợi nhuận các công ty trên S&P 500 sẽ giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Refinitiv, lớn hơn mức giảm 5,7% dự báo vào đầu tháng.
“Nhìn chung, thị trường trong tổng thể tiếp tục có giá hợp lý nếu không muốn nói là rẻ, khi nhìn vào tương quan lợi nhuận và cổ tức. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn của tôi trong tương lai là Fed sẽ bắt đầu làm những việc không cần làm để giành chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát, nhưng cuối cùng họ thực sự sẽ làm tổn thương nền kinh tế”, Stephen Massocca, Phó chủ tịch cấp cao tại Wedbush Securities ở San Francisco cho biết.
Tuần này, dữ liệu chính được công bố ở Mỹ là báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 6. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng số liệu này sẽ không làm lay chuyển quyết định tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp cuối tháng này.
Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones tăng 76,32 điểm (+0,22%), lên 34.585,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,37 điểm (+0,39%), lên 4.522,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 131,25 điểm (+0,93%), lên 14.244,95 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, khi Richemont dẫn đầu đà lao dốc trong số các công ty xa xỉ, do lo ngại tăng trưởng doanh số bán hàng yếu hơn dự kiến và tăng trưởng kinh tế mờ nhạt ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,63% xuống 457,92 điểm, với các đại gia xa xỉ đi đầu trong áp lực bán.
Theo đó, cổ phiếu của công ty hàng xa xỉ lớn thứ hai thế giới, Richemont đã giảm 10,4%, mức giảm mạnh nhất trong hơn một năm, sau khi sự suy yếu nhu cầu ở châu Mỹ đè nặng lên tăng trưởng doanh số.
Những gã khổng lồ xa xỉ khác, bao gồm LVMH, công ty có giá trị nhất châu Âu, Hermes, Salvatore Ferragamo và Kering giảm từ 1% đến 4,2%.
Tâm lý thị trường bị tổn thương hơn nữa là dữ liệu báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kinh tế với tốc độ yếu trong quý II.
“Thị trường Trung Quốc không tăng trưởng nhanh như mọi người mong đợi và chúng tôi biết rằng đây là chất xúc tác rất lớn mà chứng khoán châu Âu đã sử dụng kể từ đầu năm”, Anthi Tsouvali, chiến lược gia đa tài sản tại State Street Global Markets cho biết.
Lĩnh vực khai khoáng là nhóm cổ phiếu giảm mạnh thứ hai trên thị trường khi mất 2,1%, do lo ngại về nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc đè nặng lên giá kim loại.
Kết thúc phiên 17/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 28,15 điểm (-0,38%), xuống 7.406,42 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 36,42 điểm (-0,23%), xuống 16.068,85 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 82,88 điểm (-1,12%), xuống 7.291,66 điểm.
Giá dầu thô giảm, sau khi dữ liệu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II yếu hơn dự kiến, làm dấy lên nghi ngờ về sức cầu ở nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu cũng chịu áp lực từ việc khôi phục lại sản lượng tại hai trong số ba mỏ dầu của Libya đã đóng cửa vào tuần trước. Sản lượng đã bị đình trệ bởi một cuộc biểu tình chống lại vụ bắt cóc một cựu bộ trưởng tài chính.
Kết thúc phiên 17/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,27 USD/thùng (-1,7%), xuống 74,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,37 USD/thùng (-1,7%), xuống 78,5 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn