Phố Wall tăng điểm vào thứ Ba (11/7), được hỗ trợ bởi sự lạc quan trước các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, cũng như JPMorgan và các cổ phiếu tài chính khác khởi sắc trước thềm báo cáo kết quả kinh doanh vào cuối tuần này.
Các chỉ số quan trọng được giới đầu tư quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào thứ Năm.
Trong một cuộc khảo sát của Reuters, các chuyên gia kinh tế được hỏi dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 4% của tháng 5. Nếu vậy, đây sẽ là mức lạm phát toàn phần thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Hai dữ liệu quan trọng này sẽ làm sáng tỏ liệu lạm phát có tiếp tục giảm hay không và tạo bối cảnh cho định hướng lãi suất trong tương lai của Fed. Giới phân tích đã dự báo khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp cuối tháng này.
Thị trường phiên này còn được hỗ trợ bởi cổ phiếu JPMorgan Chase &Co tăng 1,6%, sau khi Jefferies nâng cấp cổ phiếu lên “mua” trước khi ngân hàng này báo cáo kết quả kinh doanh vào thứ Sáu.
JPMorgan và các ngân hàng lớn khác vào cuối tuần này dự kiến sẽ khởi động đầu kỳ báo cáo quý II. Chỉ số ngân hàng S&P tăng 1,5%.
“Thật tuyệt khi thấy thị trường tăng tích cực ngay sát thềm mùa báo cáo kết quả kinh doanh thu nhập. Cũng có rất nhiều dữ liệu sẽ đến, và dự báo cho quý thứ III cũng là một mối quan tâm”, Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder ở New York cho biết.
Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones tăng 317,02 điểm (+0,93%), lên 34.261,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,73 điểm (+0,67%), lên 4.439,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 75,22 điểm (+0,55%), lên 13.760,70 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, trong bối cảnh các nhà đầu tư hy vọng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và Trung Quốc mở rộng một số biện pháp chính sách để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,7% lên 451,62 điểm.
Chứng khoán Ireland tăng 2,1%, dẫn đầu đà tăng trong số các chỉ số, được thúc đẩy bởi mức tăng của Kingspan tăng 15,7%, sau khi dự báo lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm. Điều này cũng giúp chỉ số phụ xây dựng châu Âu tăng 2,4%.
Cổ phiếu của các công ty xa xỉ tiếp xúc với thị trường Trung Quốc bao gồm LVMH, Hermes và Richemont tăng từ 2% đến 2,3%, trong khi cổ phiếu công nghiệp cũng nhạy cảm với thị trường Trung Quốc tăng 1%.
“Thị trường châu Âu đã tăng cao hơn với dự đoán rằng những nỗ lực của Trung Quốc để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của họ có thể chuyển thành các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ sự phục hồi trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch có phần trầm lắng với trước khi số liệu CPI tháng 6 của Mỹ được công bố vào vào ngày mai”, Michael Hewson, nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets cho biết.
Thị trường còn được hỗ trợ bởi tin tức rằng, một số quan chức Fed đã báo hiệu ngân hàng trung ương Mỹ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 8,73 điểm (+0,12%), lên 7.282,52 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 117,18 điểm (+0,75%), lên 15.790,34 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 76,32 điểm (+1,07%), lên 7.220,01 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, chấm dứt chuỗi năm phiên giảm liên tiếp, nhưng áp lực bán vẫn còn khá lớn khi các nhà đầu tư vẫn ưu tiên chốt lời.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,04% lên 32.203,57 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,31% xuống 2.236,40 điểm.
“Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu sau khi Nikkei 225 có dấu hiệu hồi phục khi mà sức mạnh của đồng yên là một yếu tố tiêu cực”, Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Chỉ số Nikkei 225 tăng sau khi kết thúc đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF vào cuối tháng 6, một động thái phân phối đỉnh, mà những người chơi trên thị trường ước tính trị giá hơn 1 nghìn tỷ yên (7,1 tỷ USD).
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Advantest tăng 4,26% và nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,08% đã hỗ trợ lớn nhất cho thị trường.
Cổ phiếu của Sumco đã tăng 4,75%, sau khi một báo cáo cho biết Nhật Bản sẽ trợ cấp cho nhà sản xuất tấm silicon lên tới 75 tỷ yên (530 triệu USD).
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu là cổ phiếu ô tô, do dữ liệu doanh số bán ô tô tháng 6 vẫn ổn định, trong khi Bắc Kinh mở rộng hỗ trợ chính sách cho lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy hy vọng về một đợt nới lỏng mới.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,55% lên 3.221,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,65% lên 3.869,49 điểm.
Các cổ phiếu liên quan đến ô tô tăng mạnh 3,5% sau khi doanh số bán ô tô tháng 6 của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với Nio tăng 11,8%, hiệu suất trong một ngày tốt nhất trong 5 tháng. Xpeng và Li Auto lần lượt tăng 8,9% và 4,4%.
Trong khi đó, cổ phiếu của các nhà phát triển Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã tăng tới 3,2%, trước khi đóng cửa không đổi sau khi Trung Quốc hôm thứ Hai gia hạn một số chính sách cho đến cuối năm 2024 trong gói giải cứu để vực dậy lĩnh vực bất động sản.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,97% lên 18.659,83 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,97% lên 6.295,85 điểm.
Chỉ số Công nghệ tiếp tục tăng 1,5%, sau khoản tiền phạt 984 triệu USD của Trung Quốc đối với Ant Group, báo hiệu sự kết thúc của cuộc đàn áp quy định đối với lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu Alibaba tăng 2%, trong khi Tencent tăng 1,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giao dịch tốt nhất trong năm tháng, khi các nhà sản xuất chip lớn tăng điểm và chính sách kích thích của Trung Quốc làm tăng khẩu vị rủi ro của giới đầu tư.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 41,79 điểm, tương đương 1,66%, lên 2.562,49 điểm, Đây là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 16/2.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có thể sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt ở mức 3,5% vào thứ Năm và trong phần còn lại của năm khi lạm phát tiếp tục giảm bớt, một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters dự đoán.
“Thị trường đã phục hồi đà tăng nhờ các dòng tin tức tích cực từ thu nhập tốt hơn của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC đến các biện pháp chính sách của Trung Quốc để hỗ trợ thị trường bất động sản”, Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Hai đã gia hạn đến cuối năm 2024 một số chính sách trong gói giải cứu tháng 11 để vực dậy lĩnh vực bất động sản.
Phiên này, các cổ phiếu chip hỗ trợ mạnh thị trường, với Samsung Electronics và SK Hynix tăng 2,88% và 2,81%.
Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,84 điểm (+0,04%), lên 32.203,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,67 điểm (+0,55%), lên 3.221,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 180,11 điểm (+0,97%), lên 18.659,83 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 41,79 điểm (+1,66%), lên 2.562,49 điểm.
Giá dầu tăng mạnh, được thúc đẩy bởi sự suy giảm của đồng USD, cũng như hy vọng về nhu cầu cao hơn ở các nước đang phát triển và việc cắt giảm nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga.
Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,84 USD/thùng (+2,5%), lên 74,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,71 USD/thùng (+2,2%), lên 79,4 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn