Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Tập trung sự chú ý sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

 Sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.250 điểm thành công, dòng tiền có sự dịch chuyển rất mạnh mẽ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa & nhỏ (Midcap & Smallcap), đây là sự chuyển dịch rất hợp lý bởi dòng tiền ở nhóm vốn hóa lớn đang có dấu hiệu đạt ngưỡng khi tiến lên sát mức cao nhất của năm 2023 và dư địa để tiếp tục tăng thêm là không còn nhiều.

Thị trường đã khép lại tháng 2 khá ấn tượng khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 88 điểm, tương ứng tăng gần 7,6%, đóng cửa trên ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tháng mới, gần hơn là tuần đầu tháng 3?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần cuối tháng 2 tiếp tục có sự bức phá tốt cùng với dòng tiền đổ vào thị trường tiếp tục gia tăng. Ngưỡng 1260 hiện vẫn là ngưỡng kháng cự khá khó chịu vì vậy thị trường sẽ còn rung lắc thời gian trước khi vượt lên trên vùng giá mới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Xu hướng thị trường trong tháng 3 dự báo vẫn theo hướng tích cực tuy nhiên mức độ phân hóa sẽ gia tăng vì vậy nhà đầu tư cần lựa chọn danh mục cẩn thận hơn. Riêng trong tuần đầu tháng 3 sẽ có vài rung lắc nhẹ nhưng dự báo vẫn ở mức độ lạc quan vì vậy các nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tích lũy cổ phiếu.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhiều cổ phiếu lớn, nhiều cổ phiếu cơ bản vẫn đang có lực cầu mua mạnh – Một số cổ phiếu đã ghi nhận vượt đỉnh mới – Có lẽ TTCK vẫn diễn biến thuận lợi trong tuần giao dịch đầu tháng 3 và cơ hội đối với các nhà đầu tư đối với giao dịch ngắn hạn và đầu tư cổ phiếu.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Xu thế ngắn hạn hiện tại vẫn đang trong trạng thái tích cực, đặc biệt về mặt chỉ số khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, FPT.. vẫn đang liên tục có sự hỗ trợ rất lớn tới thị trường.

Tôi chưa quan sát thấy tín hiệu bán thực sự rõ rệt khi chỉ số bước vào vùng kháng cự 1.250-1.260 điểm. Do vậy, nhiều khả năng chỉ số sẽ sớm vượt qua vùng này và hướng tới mục tiêu tiếp theo ở vùng 1.290-1.300 điểm trong tháng 3. Xu thế tăng theo dạng bò dần lên có thể sẽ là chủ đạo trong tuần tới đây.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Thực tế, việc thị trường vượt đỉnh là chuyện sớm hay muộn mà thôi khi nền tảng vĩ mô ổn định và mặt bằng lãi suất tiền gửi càng ngày càng thấp khiến dòng tiền không còn lựa chọn nào khác khả dĩ hơn ngoài kênh chứng khoán. Nhìn chung, nhịp tăng vừa qua của thị trường từ vùng 1.100 điểm đến vùng 1.250 điểm là phần thưởng xứng đáng cho những nhà đầu tư can đảm, dám đánh cược vào thị trường trong những lúc khó khăn & ảm đạm nhất.

Nhìn chung, chúng tôi vẫn tiếp tục tin tưởng vào sóng tăng hiện tại của thị trường, dù dư địa không còn quá lớn, cũng như cơ hội cũng không còn quá nhiều nhưng thị trường cũng sẽ rất khó đổ vỡ ngay trong ngắn hạn nếu không có thông tin xấu bất ngờ xuất hiện. Nhà đầu tư nên tập trung sự chú ý sang nhóm vốn hóa vừa & nhỏ có câu chuyện cơ bản đủ hấp dẫn dòng tiền như: Bất động sản KCN, Đầu tư công, Dầu khí.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong tháng 03/2024, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 1.268 điểm, nhưng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.268 điểm và duy trì đà tăng trong 2 tuần giao dịch đầu tháng 03/2024. Tuy nhiên, thị trường có thể điều chỉnh hoặc thanh khoản có thể sẽ suy yếu trong tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ở tuần giao dịch 18-22/03/2024.

Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Nguyễn Thế Minh

Dòng tiền rẻ dường như đã chảy vào thị trường khi thanh khoản 2 tuần sau tết ghi nhận tăng mạnh so với trước đó. Đặc biệt, dòng tiền có sự dịch chuyển rất mạnh mẽ sang nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, được đánh giá là hợp lý bởi dòng tiền ở nhóm vốn hóa lớn đang có dấu hiệu đạt ngưỡng khi tiến lên sát mức cao nhất của năm 2023 và dư địa để tiếp tục tăng thêm là không còn nhiều. Ông/bà đánh giá thế nào về chuyển động dòng tiền ở giai đoạn này?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền sau giai đoạn đánh thốc cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch có phần chậm lại và phân hóa vào các nhóm cổ phiếu nhỏ hơn và trong các phiên vừa qua là các nhóm ngành thủy sản, cảng biển, bán lẻ. Nhóm blue chip đầu ngành cùng với ngân hàng, chứng khoán vẫn là nhóm trụ chính giữ nhịp thị trường trong giai đoạn hiện tại nhưng dòng tiền sẽ xoay vòng đều vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều.

Một số dòng cổ phiếu có thể lưu ý trong thời gian tới dự báo hấp thu dòng tiền mạnh như bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, cảng biển, thép. Những cổ phiếu dự báo hồi phục tốt trong năm nay thì khả năng bứt phá sẽ càng mạnh hơn so với nhóm còn lại.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Lực đẩy chủ yếu của thị trường trong thời gian qua vẫn đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân. Thống kê trong tháng 2/2024, nhà đầu tư cá nhân gần như cân hết lượng bán của các nhóm nhà đầu tư còn lại khi mua ròng hơn 6.700 tỷ đồng.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng mạnh 4.000 tỷ đồng, đây là hành động không quá bất ngờ khi lợi suất trái phiếu giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn chênh lệch rất lớn và rất khó thu hẹp trong ngắn hạn bởi NHTW Mỹ (Fed) chưa có động thái quyết liệt cắt giảm lãi suất liên bang sớm hơn kỳ vọng, kết hợp với các loại tài sản khác như Chứng khoán Mỹ, Nhật, Ấn Độ hay tiền mã hóa (crypto currency) cũng đang ghi nhận hiệu suất sinh lời rất ấn tượng.

Hành động mua ròng mạnh của nhóm nhà đầu tư cá nhân không đồng nghĩa là thị trường sẽ kết thúc sóng tăng, bởi vào những giai đoạn thị trường ảm đạm nhất vào tháng 10/2023 và tháng 12/2023 thì cũng chính nhà đầu tư cá nhân là bên mua vào tự tin nhất.

Sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.250 điểm thành công, dòng tiền có sự dịch chuyển rất mạnh mẽ sang nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa & nhỏ (Midcap & Smallcap), đây là sự chuyển dịch rất hợp lý bởi dòng tiền ở nhóm vốn hóa lớn đang có dấu hiệu đạt ngưỡng khi tiến lên sát mức cao nhất của năm 2023 và dư địa để tiếp tục tăng thêm là không còn nhiều.

Thay vào đó, nhóm vốn hóa vừa & nhỏ chỉ mới thu hút được dòng tiền và dư địa để dòng tiền gia nhập thêm là rất lớn, điều này giúp giá của các cổ phiếu này dễ tăng hơn so với nhóm vốn hóa lớn đã tăng tương đối nhiều trong 2 tháng qua.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Dòng tiền tham gia vào thị trường vẫn đang có xu hướng gia tăng – nhiều cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn – cơ hội giải ngân lớn vẫn đang tiếp tục – nhiều nhóm cổ phiếu có lẽ sẽ thay nhau tăng điểm để “kéo chỉ số” lên mặt bằng giá cao mới – Mốc 1,280 – 1,300 điểm chỉ là vấn đề về thời gian.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Việc lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư tìm kiếm các kênh có khả năng sinh lời tốt hơn trong đó có thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Với hiệu quả lướt sóng ngắn hạn đang dần trở nên rõ nét, dòng tiền ngắn hạn chắc chắn đang có xu thế dịch chuyển vào TTCK nhiều hơn.

Tôi cũng đánh giá sau quãng thời gian kéo mạnh nhóm vốn hóa lớn thì thời gian tới cơ hội sẽ dần mở ra với các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu Largecaps duy trì đà tăng kéo dài, trong khi đó nhóm Midcaps và Smallcaps có mức tăng trưởng thấp hơn, đặc biệt trong vài phiên gần đây nhóm Midcaps và Smallcaps cũng đang thu hút dòng tiền trở lại. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi mức P/B của nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn dưới mức 2.x cho nên dư địa tăng ở nhóm này vẫn còn.

Thị trường bắt đầu bước vào mùa ĐHCĐ 2024, theo các ông/bà, đâu là vấn đề nhà đầu tư nên chú ý trong mùa Đại hội năm nay?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Các cổ phiếu có KQKD triển vọng, tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dẫn, các kế hoạch kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng doanh thu lợi nhuận sẽ được công bố – đây sẽ là những manh mối, chỉ dẫn quan trọng cho hoạt động đầu tư cổ phiếu đối với các nhà đầu tư.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ngoài việc quan tâm tới kế hoạch chia cổ tức như thông lệ, tôi cho rằng việc quan tâm tới kế hoạch kinh doanh 2024 sẽ rất quan trọng. Bởi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn đối diện với nhiều thách thức, sẽ có sự phân hóa về hoạt động kinh doanh giữa các nhóm ngành trong năm nay. Việc nắm được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất quan trọng đối với mục tiêu xây dựng chiến lược đầu tư trung-dài hạn của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Mùa ĐHCĐ năm nay sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt ở sự phục hồi chung của các ngành nghề và khả năng tìm kiếm thị trường mới của các doanh nghiệp.

Các chiến lược kinh doanh được đặc biệt lưu tâm khi nhà đầu tư muốn biết doanh nghiệp có kế hoạch gì để đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có nhiều biến động. Nhà đầu tư cũng quan tâm đến cách doanh nghiệp đối phó với các rủi ro như lạm phát, giá nguyên liệu tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, v..v

Ngoài ra một số vấn đề khác cũng được lưu ý như nhà đầu tư muốn biết tiến độ thực hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp và hiệu quả của các dự án này. Việc sử dụng vốn huy động: Doanh nghiệp cần sử dụng vốn huy động một cách hiệu quả và minh bạch.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Với từng nhóm ngành sẽ có mối quan tâm khác nhau.

Với nhóm ngân hàng nhà đầu tư cần chú ý tới phát biểu của các lãnh đạo về tình hình nợ xấu và trái phiếu nắm giữ. Với nhóm Bất động sản như Khu công nghiệp, dù KQKD có thể tích cực, nhưng mối quan tâm sẽ liên quan đến các rủi ro (ví dụ về việc giảm lợi thế cạnh tranh do thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu). Với những nhóm ngành kỳ vọng phục hồi như Bán lẻ, kế hoạch kinh doanh sẽ là thước đo quan trọng giúp NĐT đánh giá triển vọng nền kinh tế năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Mùa ĐHCĐ là giai đoạn quan trọng để các nhà đầu tư nắm tình hình kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Năm 2024, dự báo sẽ là năm hồi phục, nhưng đà hồi phục nhanh hay chậm sẽ còn tùy thuộc vào từng nhóm ngành riêng lẻ.

Ngoài về đà hồi phục của tình hình kinh doanh, tôi cho rằng các nhà đầu tư còn có thể chú ý vào hai vấn đề trong mùa đại hội năm nay là chính sách chi trả cổ tức của các doanh nghiệp và kế hoạch cơ cấu nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản khi còn đang đối mặt với lượng đáo hạn trái phiếu lớn.

Yếu tố chính thúc đẩy thị trường là nền tảng cơ bản của doanh nghiệp. Nói cách khác, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ quyết định xu hướng đi lên của thị trường. Nếu nhìn theo hướng này, đâu là nhóm cổ phiếu/doanh nghiệp có nhiều tiềm năng và đáng để “xuống tiền”, theo ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Nhóm cổ phiếu thuộc các ngành trong năm nay được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh khả quan có thể kể tới như: Dầu khí, Chứng khoán, Đầu tư công, Công nghệ thông tin…

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu tài chính, hóa chất, dầu khí, công nghệ và đặc biệt là nhóm hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công năm nay sẽ là những nhóm cổ phiếu đáng chú ý.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng nhóm BĐS Khu công nghiệp sẽ đạt KQKD tích cực trong năm 2024, nhờ Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc trong môi trường khu vực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn nước ngoài. DSC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn dựa trên một số lợi thế cạnh tranh của VN: (1) lợi thế nhân lực: chi phí rẻ, dân số vàng, năng lực lao động cao cấp, (2) vị trí địa lý thuận lợi, (3) định hướng sản xuất chuyển dịch dần sang sản phẩm công nghệ cao. Tổng vốn đăng ký 2023 đạt 36,61 tỷ USD, +32,1% YoY.

Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, +3,5% YoY, ghi nhận mức cao kỷ lục. Bất chấp bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, việc duy trì thu hút dòng vốn FDI là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Năm 2024, Việt Nam kỳ vọng tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng cao, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp xanh.

Ngoài ra nguồn cung mới dồi dào không làm giá thuê ngừng tăng. Chúng tôi nhận thấy, nhờ một số hỗ trợ cắt giảm thủ tục hành chính từ nhà nước, lượng đất khu công nghiệp được cung cấp mới ra thị trường trong năm 2024 là khá lớn so với sự chậm chạp của giai đoạn trước. Theo ước tính, các thị trường cấp 1 tại phía Bắc và phía Nam sẽ lần lượt có thêm khoảng 3.500 ha và 2.500 ha, có thể nhắc tới một số dự án nổi bật như Tràng Duệ 3 (KBC) tại phía Bắc, Tân Phước 1 (IDC), Nam Tân Uyên 3 (NTC) tại phía Nam.

Mặc dù vậy, với việc nhu cầu của các nhà đầu tư vẫn duy trì kể cả trong thời gian kinh tế toàn cầu khó khăn, thông qua con số thu hút FDI và các hợp đồng MOU, sức hấp thụ năm tới vẫn khả quan. Từ đó, chúng tôi tin rằng giá cho thuê trong năm tới sẽ tiếp tục xu hướng tăng vốn có, nhưng với tốc độ từ tốn hơn trung bình giai đoạn trước, tăng khoảng 4% so với mức trung bình hiện tại là khoảng 130 USD/m2/chu kỳ và 190 USD/m2/chu kỳ ở thị trường phía Bắc và Nam.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán là 2 nhóm đầu ngành dự báo có sự tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ sự phục hồi chung của thị trường chứng khoán và nhóm ngân hàng vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn. Về chính sách chung năm nay chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng, giao thông, năng lượng,…

Nhóm cổ phiếu liên quan xây dựng, hạ tầng và nguyên vật liệu dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Một số nhóm ngành đang bắt đầu tăng trưởng trở lại nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn như bán lẻ hay đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại như dệt may, thủy sản. Tùy từng giai đoạn các nhóm ngành sẽ có sự luân phiên tăng trưởng và thu hút dòng tiền.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể chú ý là chứng khoán, công nghệ, dịch vụ dầu khí, hóa chất, sản xuất dầu khí, xây dựng và VLXD, ngân hàng, sản xuất thực phẩm, nhiệt điện.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO