Theo dự báo của ông Đinh Quang Hinh, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh tại vùng này do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.
Lực cầu từ nhóm cổ phiếu lớn kéo VN-Index bật tăng mạnh 15 điểm để tiến lên mốc 1.225 trong phiên cuối tuần. Thanh khoản cải thiện mạnh với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng. Phiên tăng điểm thuyết phục phần nào xoá tan lo ngại thị trường diễn ra phân phối đỉnh trong phiên trước đó và kỳ vọng đà tăng của chỉ số vẫn được nối dài.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra góc nhìn tương đối thận trọng với xu hướng của VN-Index khi tiến đến vùng cản. Đa số chuyên gia gia dự báo thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc bất ngờ khi áp lực chốt lời ở vùng này tăng cao. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao và thận trọng quan sát diễn biến thị trường quanh vùng cản này để đưa ra quyết định “trading” phù hợp.
VN-Index sẽ đối diện nhịp điều chỉnh bất ngờ
(Ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Vietinbank (CTS)
Dù đối diện những nhịp tăng giảm trái chiều, nhưng lực kéo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cụ thể là ngành bất động sản đã giúp VN-Index đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên cuối tuần. Ngoài ra, khối lượng giao dịch đang ở mức trên 1 tỷ cổ phiếu cho thấy tâm lý các nhà đầu tư đang lạc quan trở lại. Trong bối cảnh thị trường vẫn đang thu hút dòng tiền, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và chinh phục kháng cự vùng 1.23x – 1.24x điểm trong tuần tới.
Tuy nhiên, với mức P/E hiện tại đạt gần 14 lần đã về khá gần mức trung bình của thị trường (khoảng 15.x lần), áp lực chốt lời ở một số nhóm ngành đã tăng dần trong khi nhóm trụ VN30 luân phiên kéo tăng chỉ số. Do đó, trong tháng 8 này nhiều khả năng VN-Index sẽ có những phiên điều chỉnh bất ngờ để kiểm định lại lực cầu tại kháng cự tâm lý đã bị vượt qua là mức 1.200 điểm.
Một số yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường trong tháng 8 bao gồm khả năng kiểm soát lạm phát khi giá lương thực bắt đầu xu hướng tăng mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và chính sách cắt giảm diện tích trồng lúa tại Thái Lan, áp lực bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu để thanh toán các khoản trái phiếu đáo hạn trong tháng 9 với tổng giá trị gần 32.500 tỷ đồng.
Đồng thời các cổ phiếu cần thời gian xác lập lại nền giá mới hấp dẫn nhà đầu tư tham gia giải ngân mới, chỉ 1 số ngành như bất động sản sẽ tích cực vượt trội so với các nhóm ngành khác do nhóm này chưa lên nhiều và đang được chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc hạ lãi suất và gỡ thanh khoản, pháp lý thông qua các biện pháp vừa qua của chính phủ, vì vậy nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này vào nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, chuyên gia CTS cho rằng việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư trong nhóm BĐS sẽ khó hơn vì các cổ phiếu đã có nhịp tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua, vì vậy nhóm ngành BĐS khả năng sẽ có sự phân hóa tăng giảm không đồng nhất. Nhà đầu tư tham gia nhóm này cần phân tích kỹ cổ phiếu, đánh giá kỳ vọng tăng trưởng và tuân theo chiến lược đúng đắn, tập trung vào 1 số nhóm thanh khoản tốt và tích cực trở lại.
Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức 80/20 nhằm sẵn sàng cho các biến động mạnh của thị trường. Việc giải ngân được khuyến nghị nên thực hiện trong các giai đoạn giảm điểm của thị trường và tại các vùng hỗ trợ mạnh, với hai ngưỡng hỗ trợ gần nhất trong giai đoạn hiện nay lần lượt là 1.220 và 1.200 điểm.
Nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị áp dụng chiến lược tích sản cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng tăng trưởng vào nửa cuối năm trong các phiên điều chỉnh của thị trường. Ví dụ như nhóm ngành bất động sản, năng lượng – xây dựng được hưởng lợi trực tiếp hay nhóm ngành ngân hàng, logistic được hưởng lợi gián tiếp từ câu chuyện đầu tư công.
Hạn chế mua đuổi giá cao khi VN-Index tiến đến vùng cản mạnh
(Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT)
VN-Index đã có nhịp điều chỉnh ngắn trong 3 phiên giữa tuần qua sau khi chạm vùng kháng cự mạnh quanh 1.235 điểm (+/- 10 điểm). Tuy nhiên, thông điệp tích cực của Chính Phủ tại Hội nghị “Đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” đã kích hoạt dòng tiền đã đổ vào nhóm cổ phiếu bất động sản (nhóm vốn hóa lớn thứ 2 thị trường), qua đó thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi.
Đà tích cực có thể lan tỏa sang đầu tuần tới và chỉ số VN-Index có thể tiến sâu vào vùng kháng cự 1.235 (+/-10 điểm). Tại vùng này, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao và thận trọng quan sát diễn biến thị trường quanh vùng cản này để đưa ra quyết định “trading” phù hợp.
Nếu chỉ số VN-Index không bứt phá được qua vùng kháng cự trên và quay đầu giảm điểm thì nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng margin và xem xét chốt lời một phần danh mục để bảo vệ thành quả, đặc biệt là các cổ phiếu có nhịp tăng mạnh trên 20% trong khoảng thời gian ngắn vừa qua và chờ đợi nhịp điều chỉnh để quay trở lại. Còn nếu thị trường tiếp tục bứt phá qua được vùng kháng cự trên một cách thuyết 3 phục thì nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để hướng tới các mốc cao hơn.
Nhiều nhóm cổ phiếu đang tiềm ẩn rủi ro, không nên “đua lệnh” với nhóm BĐS
(Ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco )
Dự báo xu hướng tuần tới, thị trường có thể tiếp tục duy trì trạng thái tăng điểm sau khi đã diễn biến khá tích cực trong tuần vừa rồi. Hiện nay, xu hướng dòng tiền gia nhập thị trường chứng khoán từ các kênh đầu tư khác đang diễn ra tương đối tốt; số lượng tài khoản mở mới trong tháng vừa rồi lên đến hơn 150.000 tài khoản sẽ củng cố cho đà tăng của thị trường. Ngoài ra, vẫn chưa có thông tin tiêu cực nào quá xấu để khiến cho thị trường giảm điểm.
Thanh khoản thị trường đã tăng cao liên tục đặc biệt trong các tháng gần đây là nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Với việc mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ nhiệt và các kênh đầu tư vẫn gặp khó khăn, kênh đầu tư chứng khoán đang chứng minh được sự thu hút cao nhất trong giai đoạn hiện nay.
Thị trường trong tháng 8 có thể vẫn duy trì tích cực do xu hướng dịch chuyển dòng tiền vẫn đang diễn ra. Một số yếu tố tác động trong tháng 8 có thể kể đến như :(1) Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn; (2) Kế hoạch chốt quyền cổ tức của các doanh nghiệp có thể tạo nên con sóng phân hóa cho những nhóm ngành có thông tin diễn ra; (3) Câu chuyện đầu tư công đang được triển khai tích cực, tiến độ giải ngân vẫn tốt trong tháng 7 cũng sẽ là câu chuyện thu hút dòng tiền trong tháng 8 này.
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư nên cân nhắc: (1) Một số cổ phiếu đang ở mặt bằng định giá khá đắt đỏ; (2) Khối ngoại mặc dù đã quay trở lại mua ròng tuy nhiên xu hướng chưa rõ ràng, khi quay trở lại trạng thái bán ròng mạnh có thể sẽ phần nào ảnh hưởng tới tâm lý thị trường ; (3) Kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành hiện vẫn đang có sự phân hóa và có thể sẽ không được như kì vọng trong quý III này sau khi đã diễn biến kém tích cực trong 2 quý đầu năm.
Xét về thị trường chung, mặt bằng định giá P/E vẫn chưa phải quá cao so với trung bình 5 năm gần đây, điều này hàm ý rằng thị trường vẫn chưa quá đắt đỏ. Tuy nhiên cần lưu ý chúng ta nên xem xét theo từng nhóm ngành, nhóm cổ phiếu cụ thể. Bởi hiện nay thị trường bị ảnh hưởng lớn bởi định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng – nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất. Theo quan sát của chuyên gia, hiện nay đã có nhiều nhóm cổ phiếu đã ở trạng thái định giá tương đối cao và đang tiềm ẩn rủi ro. Ngược lại, vẫn có một số cơ hội tiềm năng khác mà chúng ta có thể vẫn còn dư địa tăng giá khi mà mặt bằng định giá vẫn đang thấp so với bình quân 5 năm vừa rồi.
Bàn về nhóm cổ phiếu BĐS, mặc dù nhóm này có đà tăng khá tốt nhờ những thông tin về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Agriseco không đánh giá cao về mặt triển vọng tăng giá trong trung và dài hạn của nhóm này mà đà tăng chủ yếu mang tính đầu cơ nhiều hơn. Một phần vì kết quả kinh doanh có thể sẽ chưa được cải thiện trong nửa cuối năm. Việc nhà đầu tư “đua lệnh” mua cổ phiếu có thể tiềm ẩn rủi ro đặc biệt với những doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án thấp. Ở chiều ngược lại, đối với những cổ phiếu đầu ngành, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân một phần nhỏ tỷ trọng để đa dạng hóa danh mục.
Chiến lược đầu tư cho giai đoạn hiện nay nên ưu tiên cho việc duy trì và bảo vệ kết quả. Việc giải ngân mới nên cân nhắc khi thị trường đã đi vào vùng quá mua và các nhịp rung lắc sẽ xảy ra khá thường xuyên. Mặc dù xu hướng tăng giá trung và dài hạn vẫn đang được duy trì tuy nhiên để tận dụng tối ưu hóa danh mục chúng ta nên giảm tỉ trọng và chốt lời dần tại các phiên hưng phấn; ngược lại ở những phiên thị trường giảm mạnh chúng ta có thể tăng tỉ trọng cổ phiếu để giảm giá vốn.
Theo Cafef