Hàn Quốc sẽ cấm bán khống cổ phiếu cho đến tháng 6/2024 để cho phép các cơ quan quản lý cải thiện các quy tắc và hệ thống.
Hôm Chủ Nhật (5/11), Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc cho biết, giao dịch bán khống sẽ bị cấm đối với các cổ phiếu thuộc Chỉ số Kospi 200 và Chỉ số Kosdaq 150 từ ngày 6/11 cho đến cuối tháng 6/2024.
Chủ tịch FSC Kim Joo-hyun phát biểu trong một cuộc họp báo: “Giữa tình trạng hỗn loạn của thị trường, chúng tôi đã phát hiện ra hoạt động bán khống bất hợp pháp quy mô lớn của các ngân hàng đầu tư toàn cầu và các trường hợp hoạt động bất hợp pháp khác. Đó là một tình huống nghiêm trọng khi việc bán khống bất hợp pháp làm suy yếu việc hình thành giá trị hợp lý và làm tổn hại đến niềm tin của thị trường”.
Ông cho biết, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm một “sự cải thiện cơ bản” để tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư cá nhân trong những tháng tới, bao gồm cả việc tìm cách thu hẹp các yêu cầu và điều kiện bán khống khác nhau giữa các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.
Các nhà chức trách cũng sẽ tìm kiếm những hình phạt mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động bán khống bất hợp pháp và sẽ tiếp tục xem xét các giao dịch bán khống của các ngân hàng toàn cầu với sự ra đời của một nhóm điều tra đặc biệt vào thứ Hai (6/11).
Lee Bokhyun, Thống đốc Cơ quan giám sát Dịch vụ Giám sát Tài chính cho biết, 10 ngân hàng toàn cầu sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra liên quan đến hầu hết các giao dịch bán khống ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc bắt đầu cho phép bán khống cổ phiếu thuộc Chỉ số Kospi 200 và Chỉ số Kosdaq 150 vào tháng 5/2021 trong khi vẫn áp dụng lệnh cấm duy trì từ giai đoạn đại dịch đối với hơn 2.000 cổ phiếu. Việc áp dụng trở lại lệnh cấm hoàn toàn đối với giao dịch bán khống có thể cản trở nỗ lực của Hàn Quốc trong việc nâng hạng lên thị trường phát triển.
Brian Freitas, nhà phân tích của Smartkarma Holdings Pte. cho biết: “Lệnh cấm bán khống sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho cơ hội chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển của Hàn Quốc… Bong bóng được kỳ vọng sẽ hình thành trong các khu vực thị trường được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng, vì việc bán khống không còn đóng vai trò là lực cản đối với việc định giá vô lý”.
Theo dữ liệu của FSC, hoạt động bán khống chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường chứng khoán quy mô 1.700 tỷ USD của Hàn Quốc – tương ứng khoảng 0,6% giá trị thị trường của Kospi và 1,6% của Kosdaq.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng việc bán khống dẫn đến lợi thế không công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức.
Chỉ số Kospi có dấu hiệu hồi phục từ đầu tháng 11 sau khi bắt đầu lao dốc từ ngày 1/8 đến ngày 31/10 |
Lệnh cấm của cơ quan quản lý trùng hợp với sự phục hồi ngắn hạn của chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc. Chỉ số Kospi đã tăng trong tháng 11 sau khi ghi nhận mức giảm hàng tháng tồi tệ nhất trong tháng 10 do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo. Chỉ số này vẫn giảm hơn 10% so với mức đỉnh tháng 8.
Chỉ số Kosdaq vốn hóa nhỏ cũng phục hồi trở lại từ mức thấp nhất kể từ tháng 1, nhưng vẫn giảm 17% so với mức đỉnh tháng 7.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn