Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư         Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2030

Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2030
© Reuters. Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2030

Vietstock – Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2030

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và khởi công trước 2030.

Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước năm 2045.

Bộ Chính trị cũng nêu mục tiêu đến năm 2030 sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn tại Hà Nội, TP HCM. Cùng với đó, một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế như Hà Nội – Hải Phòng, Biên Hoà – Vũng Tàu, cửa khẩu quốc tế Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn cũng được khởi công.

Quan điểm của Bộ Chính trị là thống nhất nhận thức của cả hệ thống về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vận tải đường sắt; trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo Bộ Chính trị, điều này tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Do đó, các cấp, ngành cần huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ. Nguồn lực trong nước cần được xem là cơ bản, lâu dài; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được Bộ Chính trị xác định là trục “xương sống”, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế.

Tàu cao tốc ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Railway.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng, sau đó khởi công một số gói thầu của hai đoạn Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học được tổ chức. Đơn vị soạn thảo cũng đã lấy ý kiến 20 địa phương có dự án đi qua và các bộ, ban, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được trình Chính phủ vào tháng 2/2019. Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo.

Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn 5,82 tỷ USD, chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.

Anh Duy

Theo investing.com 


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO