Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này âm thầm bứt phá với mức tăng xấp xỉ 64%.
CAV:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Cổ phiếu lập đỉnh lịch sử, cổ tức đều đặn mỗi năm
Bất chấp thị trường chung sóng gió, cổ phiếu CAV của Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng lên 74.700 đồng/cp – đánh dấu chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp để leo lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết.
Cổ phiếu CAV đang neo trên vùng đỉnh lịch sử
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này âm thầm bứt phá với mức tăng xấp xỉ 64%. Dù vậy, thanh khoản của mã này khá thấp chỉ vài trăm đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh trong phiên.
Đà tăng tốc của cổ phiếu đến sau thông tin CAV thông báo ngày đăng ký cuối cùng để tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023. Cụ thể, CAV chốt ngày 2/10 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 40% (1 cổ phiếu nhận được 4.000 đồng).
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/9. Ngày thanh toán dự kiến là 20/10. Với hơn 57 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, doanh nghiệp dự kiến chi khoảng 230 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt này.
Tỷ lệ cổ tức đều như vắt tranh của CAV trong nhiều năm nay
Với tỷ lệ chi trả cổ tức cao và ổn định, Cadivi được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông trong suốt những năm qua. Từ khi lên sàn cuối năm 2014 đến nay, chưa năm nào Cadivi quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ cao. Giai đoạn 2018-2021, mức cổ tức duy trì 50% bằng tiền, đỉnh điểm là năm 2022 tỷ lệ cổ tức tăng lên gấp đôi 100%. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Cadivi tiếp tục thông qua kế hoạch trả cổ tức 2023 ở mức 100%.
KQKD duy trì ổn định
Cadivi được thành lập năm 1975, tiền thân là Công ty Dây đồng Miền Nam trực thuộc Tổng cục Cơ khí. Doanh nghiệp cổ phần hoá và đổi tên thành CTCP Dây cáp điện Việt Nam vào năm 2007 và niêm yết cổ phiếu CAV trên HOSE lần đầu tiên vào năm 2014. Lĩnh vực hoạt động chính của Cadivi là sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác và thương hiệu dây cáp điện của doanh nghiệp có thị phần đứng số 1 tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex (mã GEX) đang là Chủ tịch HĐQT tại Cadivi. Hiện nay, cá nhân ông Tuấn không sở hữu cổ phiếu CAV nào nhưng CTCP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric, mã GEE) – một trong những doanh nghiệp mà ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch đang kiểm soát tới 96,3% vốn tại Cadivi.
Về kết quả kinh doanh, Cadivi duy trì doanh thu và lợi nhuận khá ổn định trong giai đoạn 2015-2022. Riêng năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp lập đỉnh khi đạt đạt hơn 11.400 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 384 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 12.079 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 450 tỷ đồng, tương đương bằng lần lượt 107% và 93% so với thực hiện năm 2022.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, CAV ghi nhận doanh thu thuần hơn 4,509 tỷ đồng và lãi trước thuế 239 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 17% so với cùng kỳ; thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu và 53% mục tiêu lợi nhuận năm. Trong đó, lãi ròng lũy kế bán niên hơn 190 tỷ đồng, giảm 17%.
Theo Cafef