Năm 2023 được nhận định là đáy của thị trường thép và năm 2024 sẽ tốt hơn, tạo đà hồi phục kể từ năm 2025.
Áp lực nguồn cung thép Trung Quốc
Theo dữ liệu trên Trading Economics, sau nhịp hồi phục nhẹ trong nửa cuối năm 2023, từ ngày 21/11/2023 đến 28/2/2024, giá thép thế giới giảm 5,9%, từ 4.019 CNY/tấn về 3.781 CNY/tấn. So với mức đỉnh 5.925 CNY/tấn ngày 8/10/2021, giá thép hiện nay thấp hơn 36,2%.
Nhu cầu yếu của thị trường thép Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản chưa hồi phục, lĩnh vực sản xuất xe điện, hàng tiêu dùng có dấu hiệu dư cung, khiến sản phẩm thép Trung Quốc tiếp tục được xuất khẩu với giá thấp để giảm tồn kho.
Trước đó, năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 91,2 triệu tấn thép, tăng 35% so với năm 2022. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới giá thép thế giới giảm và giá thép tại Việt Nam không hồi phục như kỳ vọng, biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép cải thiện chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines khiến các doanh nghiệp thép Việt Nam thêm áp lực cạnh tranh, vì đây cũng là các thị trường xuất khẩu chính.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Ngành Công nghiệp và Vật liệu xây dựng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt có góc nhìn lạc quan khi chia sẻ: “Năm 2024, Chính phủ Trung Quốc đang có những các động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ hồi phục từ nửa sau năm 2024 sẽ giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ thép. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng dư cung tại thị trường thép nội địa Trung Quốc và giảm bớt áp lực xuất khẩu của các nhà sản xuất thép tại đây. Trong kịch bản này, chúng tôi kỳ vọng, cả sản lượng tiêu thụ thép và giá thép trong khu vực Đông Nam Á sẽ được cải thiện, theo đó biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng sẽ tốt hơn so với năm 2023”.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng
Với những chương trình thúc đẩy kinh tế của Chính phủ, trong đó có tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công…, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP dự báo, sản lượng ngành thép năm 2024 có thể tăng 10%.
Bà Trang Thị Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, tiêu thụ thép trong năm 2024 có khả năng đạt gần 21,6 triệu tấn, tăng 6,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự kiến tăng 12%, đạt gần 13 triệu tấn.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát nhận định, 2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023 và bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025.
Kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2024, tạo ra nhu cầu cho ngành thép, nên Hòa Phát lên kế hoạch tăng sản lượng thép hơn 10% trong năm nay.
Kết quả kinh doanh năm 2024 của Hòa Phát được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sẽ tăng trưởng 22,5% về doanh thu, lên 143.709 tỷ đồng và tăng trưởng 91% về lợi nhuận sau thuế, lên 10.897 tỷ đồng.
Tương tự, VDSC dự báo, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen có thể đạt 36.702 tỷ đồng doanh thu và 847 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ tài chính 2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), lần lượt tăng 16% và tăng 27,2 lần so với niên độ 2023.
Dự báo này tích cực hơn so với kế hoạch của Hoa Sen. Cụ thể, niên độ 2024, Hoa Sen xây dựng hai kịch bản kinh doanh. Kịch bản 1, sản lượng tiêu thụ 1,625 triệu tấn, tăng 13,3%; doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4%; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 12,3 lần so với niên độ 2023. Kịch bản 2, sản lượng tiêu thụ 1,73 triệu tấn, tăng 20,7%; doanh thu 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7%; lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với niên độ 2023.
Với Công ty cổ phần Thép Nam Kim, VDSC dự báo, năm 2024 có thể đạt doanh thu 29.274 tỷ đồng, 271 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 14% và tăng 85,6% so với năm 2023.
VDSC cho biết, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép tăng trưởng trong năm 2024 đến từ triển vọng hồi phục của thị trường thép xây dựng nội địa, đồng thời giá thép có khả năng tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Công ty Chứng khoán DSC cũng có đánh giá tích cực về ngành thép khi dự báo, sản lượng tiêu thụ năm 2024 sẽ tăng trưởng 2 con số, bởi các dự án bất động sản sau thời kỳ tái cơ cấu và phê duyệt pháp lý sẽ được thi công trở lại để đón nhu cầu mới trong giai đoạn tới, bên cạnh đó là các dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn