Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, thông tin bùng nổ và được lan truyền rất nhanh, đòi hỏi nhà đầu tư phải sáng suốt chắt lọc thông tin để có quyết định đầu tư chính xác.
Tin đồn có tác động mạnh
Tại Mỹ, ngày 22/5/2023, trên nhiều trang mạng xã hội, bắt đầu từ Facebook, rồi nhanh chóng lan sang các tài khoản Twitter có lượng theo dõi lớn đã phát tán hình ảnh về một vụ nổ gần trụ sở Bộ Quốc phòng, gây nhiễu loạn thị trường chứng khoán nước này, chỉ số S&P 500 ngay lập tức phản ứng khi giảm 0,3% trước khi phục hồi. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng, vụ nổ đó chỉ là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ AI có thể bị lạm dụng để phát tán hình ảnh giả cùng thông tin sai lệch.
Trước đó, một số ngân hàng sụp đổ trong tháng 3/2023, khiến trên thị trường liên tiếp xuất hiện những đồn đoán về một cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai có thể xảy ra, tương tự năm 2008, gây ra tâm lý hoang mang lan toả.
Ông Jon Danielsson, Giám đốc Trung tâm Rủi ro hệ thống, Trường Kinh tế London nhận xét, các phương tiện truyền thông xã hội khiến tin đồn được lan truyền nhanh chóng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn hồi năm 2008.
Tại Việt Nam, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Đàm Thanh Phương, nhà đầu tư có hơn 10 năm “lăn lộn” trên thị trường chứng khoán cho biết, trong bối cảnh Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển, anh dần cảm thấy bị bội thực trước lượng thông tin dày đặc mỗi ngày.
Bên cạnh thông tin từ các cơ quan thông tấn, báo chí, trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động là vô vàn các trang web, diễn đàn, mạng xã hội, room chat…, giúp thông tin đa dạng, đa chiều và dễ tiếp cận hơn, nhưng trong đó có cả những thông tin mang ý chí chủ quan của người đăng, nhất là các thành viên chủ chốt của room chat.
Mặc dù vậy, nhiều room chat vẫn thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia, vì trong đó có một nội dung rất hấp dẫn là “phím hàng”, với các tin tức, nhận định về cổ phiếu, tình hình doanh nghiệp. Thông thường, mỗi room chat có một vài thành viên chủ chốt và ý chí của những người này có ảnh hưởng không nhỏ đến các thành viên trong nhóm, qua đó tác động đến quyết định đầu tư, đôi khi tạo thành xu hướng đầu tư.
“Tôi liên tục nhận được lời mời tham gia các nhóm chat trên Zalo và nhận thấy có nhiều tin tức được truyền từ người này qua người khác, từ nhóm này qua nhóm khác, tạo thành một đường dây thông tin không có sự kiểm chứng chắc chắn. Tin đúng và sai đan xen khiến nhà đầu tư tham gia nhiều nhóm chat giống như những con quay, không biết nên ngả về hướng nào”, anh Phương nói.
Về mặt tích cực, tin đồn tốt có thể thúc đẩy giá và thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ngược lại, tin đồn xấu có thể khiến giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí tác động đến sự ổn định của thị trường như trường hợp cổ phiếu SCB giai đoạn cuối năm 2022. Khi đó, tin đồn SCB có liên quan đến các sai phạm về trái phiếu khiến nhiều người ồ ạt đến rút tiền gửi tại ngân hàng này, gây ra tình trạng tê liệt cục bộ và ảnh hưởng đến tâm lý người dân cả nước về hệ thống ngân hàng.
Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, tin đồn tại thị trường chứng khoán Việt Nam có tác động đến giá cổ phiếu và giá trị doanh nghiệp mạnh hơn so với thị trường nhiều nước khác. Tin đồn có thể khiến giá cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị thật, trong khi doanh nghiệp vẫn kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng trưởng.
Chắt lọc thông tin
Việc để bản thân chìm trong biển thông tin dày đặc, hỗn độn không giúp nhà đầu tư tăng được lượng thông tin, kiến thức tiếp thu cần thiết, mà còn khiến họ dễ đánh mất định hướng đúng đắn ban đầu.
Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng số tài khoản chứng khoán đạt hơn 7,16 triệu, tương đương trên 7% dân số, vượt mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025.
Xét về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 80% giao dịch trên thị trường, trong khi ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ này chỉ khoảng 40 – 50%. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân là nhóm dễ bị tổn thương nhất mỗi khi thị trường biến động mạnh và tin đồn có ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư bám sát thị trường, ông Đàm Thanh Phương đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để tự đánh giá mức độ tác động và tính xác thực của các tin đồn. Đồng thời, khi mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư này xác định sẽ gắn bó với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản và tình hình tài chính lành mạnh, để khi có tin đồn hay thị trường rung lắc thì cổ phiếu có đủ sức chống đỡ.
“Có những lúc bạn bè hỏi về việc có biết tin này, tin kia hay không thì tôi mới nhận ra là cổ phiếu mình đang nắm giữ có tin đồn. Không phải tôi không quan tâm đến doanh nghiệp mà mình đầu tư, mà tôi chỉ không quan tâm đến những tin đồn vô căn cứ. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các “đội lái” bơm thổi tin đồn, gây hoang mang cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới. Nhiều người vội vã bán tháo, chấp nhận lỗ để giải thoát khỏi nỗi sợ, nhưng nhanh chóng hối hận vì lỡ bán đi hàng tốt. Hiện tại, tôi đã học được cách sống chung với tin đồn để tồn tại”, ông Phương chia sẻ.
Khi lượng người tham gia thị trường chứng khoán ngày càng nhiều, đồng nghĩa nhu cầu thông tin của nhà đầu tư sẽ ngày càng lớn. Thông tin được cung cấp không chỉ cần đảm bảo về mặt chất lượng, mà còn phải nhanh chóng để phục vụ các quyết định giao dịch.
Trong giai đoạn thị trường thường xuyên bị “nhiễu” thông tin, việc chắt lọc thông tin của người đọc càng trở nên quan trọng. Việc để bản thân chìm trong biển thông tin dày đặc, hỗn độn không giúp người đọc tăng lượng thông tin, kiến thức cần thiết, mà còn khiến họ dễ đánh mất định hướng đúng đắn ban đầu.
Ông Phùng Trung Kiên cho rằng, thị trường nào cũng có tin đồn, nhưng những thông tin đó chỉ có tác động trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần sáng suốt để thấy trong cơ có nguy, trong nguy có cơ.
“Chúng ta cần bình tĩnh, đánh giá, xem xét các thông tin đó ở nhiều góc độ. Có tin đồn mở ra cơ hội sở hữu cổ phiếu với giá hợp lý”, ông Kiên nói.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn