Diễn biến giá cổ phiếu logistics từ đầu năm đến hiện tại cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư với cổ phiếu nhóm này. Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE có những chia sẻ cùng Đầu tư Chứng khoán các câu chuyện liên quan đến triển vọng cổ phiếu logistics.
Chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023, nhìn lại diễn biến cổ phiếu nhóm logistics, theo bà đâu là nét vẽ chính?
Ngành logistic đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn trong nhiều năm trở lại đây. Là một ngành đặc thù có độ mở cao, ngành logistic vừa là thước đo phản ánh chính xác bối cảnh kinh tế trong nước, vừa chịu ảnh hưởng bởi tình hình vĩ mô ngoài nước. 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU và Trung Quốc đều đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm về kinh tế với những nguyên nhân khác nhau. Tại Mỹ và EU, tác động của giá cả leo thang và lãi suất cao khiến tiêu dùng dè dặt hơn và tại Trung Quốc là sự đỗ vỡ của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến tài sản và chi tiêu của người dân.
Dữ liệu từ tổng cục hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 497 tỷ USD, giảm mạnh 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mức suy giảm này thậm chí còn cao hơn giai đoạn đóng cửa kinh tế vì Covid-19, cho thấy những khó khăn đã qua của ngành logistic là không hề nhỏ.
Nhưng dường như giá cổ phiếu nhóm này lại đang đi ngược với tình hình chung của ngành?
Đúng vậy, nhưng cần nhìn nhận rằng, những khó khăn đã được phản ánh vào diễn biến giá của nhóm logistic trong năm 2022. Sau khi giảm mạnh trong năm 2022, diễn biến từ đầu năm đến nay đang cho thấy kỳ vọng lớn của nhà đầu tư về sự phục hồi của nhóm ngành này. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm logistic đã ghi nhận mức tăng đến hơn 40%, so với mức tăng hơn 10% của VN-Index.
Dường như sự kỳ vọng này của nhà đầu tư là có cơ sở. Số liệu vĩ mô trong các tháng gần đầy đang xuất hiện những tia sáng cho thấy sự phục hồi của ngành cũng như là kinh tế trong nước. Cụ thể, chỉ số PMI lần đầu tiên vượt mức 50 điểm sau nhiều tháng dưới ngưỡng này. Xuất nhập khẩu tháng 9 cũng quay trở lại mức tăng trưởng dương sau 6 tháng suy giảm liên tiếp. Do vậy, đây có thể xem là một thời điểm đứng trước cơ hội “xoay trục” của nền kinh tế và việc đầu tư vào nhóm ngành logistic chính là đang “đón đầu” cho sự phục hồi này.
Còn về bối cảnh vĩ mô thời gian tới, theo bà, nó sẽ tác động thế nào đến nhóm ngành này?
Bên cạnh sự phục hồi kinh tế trong nước, nhóm logistic là một trong những nhóm có thể được lợi trong thời gian tới nhờ vào 2 yếu tố bên ngoài:
Lạm phát đã có sự hạ nhiệt ở các quốc gia phát triển. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đã giảm mạnh từ mức 8,9% (giữa năm 2022) về mức hơn 3% hiện tại, còn lạm phát tại EU cũng đã giảm từ mức 8,8% về chỉ còn hơn 4%. Sự hạ nhiệt nhanh chóng của lạm phát cùng với thị trường lao động tại khu vực này vẫn đang mạnh mẽ có thể giúp tiêu dùng tại các thị trường này trở nên tích cực hơn.
Tính chất chu kỳ của hàng hóa ở các thị trường chính là Mỹ, EU và Trung Quốc.
Theo tôi, mùa khai giảng và lễ hội trong các tháng cuối năm ở cả Hoa Kỳ và EU được dự báo sẽ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, giày dép. Đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng trọng chính tính theo giá trị xuất khẩu container của Việt Nam sang hai thị trường này. Trong khi đó, xuất khẩu vào Trung Quốc được trợ lực nhờ nhóm hàng rau củ và thực phẩm do xu thế tăng tiêu dùng và dự trữ hàng hoá trước Tết Âm lịch 2024.
Hai yếu tố này có thể giúp nhóm ngành tiếp tục xu hướng hồi phục trong quý cuối cùng của năm 2023 cũng như giai đoạn đầu năm 2024.
Ảnh: Shutterstock. |
Nếu muốn bỏ vốn cho cổ phiếu logistics, theo bà nhà đầu tư cần lưu ý những điều gì?
Cổ phiếu logistic ở thị trường Việt Nam có thể chia làm hai nhóm chính là nhóm cảng biển và nhóm vận chuyển đường biển. Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp hoạt động trong các mảng kinh doanh khác như dịch vụ kho bãi hàng không, vận chuyển hàng hóa đường bộ…, tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp này là khá nhỏ và phân mảnh.
Đối với hai nhóm chính của ngành logistic, bên cạnh việc đánh giá nhu cầu chung của ngành dựa trên hoạt động sản xuất trong và ngoài nước thì chúng ta cần lưu ý một số yếu tố mang tính đặc thù khi lựa chọn cổ phiếu.
Với nhóm cảng biển, đây nhóm ngành phụ thuộc lớn vào vị trí địa lý hoạt động. Cả nước có 4 khu vực cảng chính là Hải Phòng, miền Trung, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh – Đồng Nai. Mỗi khu vực sẽ có một đặc thù khác nhau về đặc điểm, mức độ cạnh tranh cũng như là nhóm khách hàng khác nhau. Ví dụ như nhóm cảng miền Bắc sẽ phục vụ nhiều hơn cho thị trường xuất nhập khẩu sang các nước châu Á, trong khi đó nhóm cảng miền Nam sẽ phục vụ chính cho thương mại sang Mỹ và EU. Do đó, các doanh nghiệp đang phục vụ cho mỗi khu vực sẽ có một sự lệch pha nhất định. Để lựa chọn được doanh nghiệp tốt nhất trong ngành, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ về chuỗi giá trị của ngành và lựa chọn doanh nghiệp trong cụm cảng có tiềm năng phát triển nhất cũng như là chịu ít sự cạnh tranh nhất.
Còn với nhóm vận tải biển, đây là nhóm ngành đặc thù là đầu tư lớn vào tài sản cố định nên chi phí chính của các doanh nghiệp là chi phí khấu hao. Do đó, việc nhìn vào con số lợi nhuận thường không phản ánh chính xác dòng tiền mà doanh nghiệp thu vào được. Đối với những doanh nghiệp trong nhóm này, thì phân tích dòng tiền và phân tích tài sản đôi khi lại quan trọng hơn nhìn vào kết quả kinh doanh. Nhà đầu tư vẫn có thể có được những cơ hội đầu tư hấp dẫn bất chấp bối cảnh của ngành nếu tìm được những doanh nghiệp có giá trị tài sản hoặc dòng tiền cao hơn giá trị trường của chúng.
Chắc hẳn bà cũng có những cổ phiếu logistics yêu thích của riêng mình chứ?
Trong nhóm logistic, tôi đặc biệt yêu thích cổ phiếu GMD, cũng là doanh nghiệp “anh cả” của ngành nhờ lý do GMD sở hữu các cảng biển ở những vị trí rất đắc địa như cảng Nam Đình Vũ ở khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng, cảng Gemalink ở khu vực Cái Mép – Thị Vải… giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty nhanh chóng được hưởng lợi khi bối cảnh ngành cải thiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Mới đây là cảng Gemalink đi vào hoạt động từ quý I và cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đi vào hoạt động từ quý II/2023. Công ty cũng có kế hoạch cho những dự án trong các năm tiếp theo như Gemalink giai đoạn 2 hay Nam Đình Vũ giai đoạn 3, nâng công suất của các cụm cảng cao hơn và đảm bảo được tăng trưởng trong dài hạn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn