Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7, hiệu suất đầu tư của quỹ ngoại này đạt 14,39% cũng thấp hơn so với mức tăng của VN-Index (21,4%) trong cùng thời kỳ.
Theo báo cáo tháng 7 mới công bố, Pyn Elite Fund vừa ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp có hiệu suất đầu tư dương, với mức 5,15%. Đây là mức hiệu suất tốt nhất mà quỹ ngoại này đạt được trong tháng 7 kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2013.
Tuy nhiên, mức hiệu suất 5,15% của Pyn Elite Fund vẫn còn thua xa so với mức tăng 9,17% của VN-Index trong tháng 7. Như vậy, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã có 3 tháng liên tiếp không thể chiến thắng thị trường dù có hiệu suất dương.
Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7, hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund đạt 14,39% cũng thấp hơn so với mức tăng của VN-Index (21,4%) trong cùng thời kỳ.
Trong tháng 7, thị trường chứng khoán giao dịch đầy khởi sắc, VN-Index có lần đầu tiên vượt mốc 1.200 điểm kể từ tháng 9/2022 nhờ sự phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành.
Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3, lãi suất huy động đã giảm 300 điểm cơ bản so với đầu năm, thúc đẩy dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán từ tiền gửi ngân hàng. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 7 đạt 893 triệu USD, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 và thậm chí đạt gần 1 tỷ USD trong tuần cuối cùng của tháng.
Trong bối cảnh đó, danh mục của Pyn Elite Fund cũng chỉ có đúng 2 khoản đầu tư ghi nhận hiệu suất âm trong tháng 7 là VEAM (VEA) và Sacombank (STB). Ngược lại, các cổ phiếu VHM, VRE, ACV, MBB và chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF là những khoản đầu tư có hiệu suất tốt trong tháng vừa qua.
Tính đến cuối tháng 7, Pyn Elite Fund quản lý danh mục có quy mô lên đến 789,6 triệu EUR (~870 triệu USD) và là một trong những quỹ ngoại lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ chiếm đến hơn 85% danh mục trong đó có đến 5 ngân hàng và một chứng chỉ quỹ mô phỏng chỉ số tài chính (SSIAM VNFinLead ETF).
Báo cáo của Pyn Elite Fund cho biết, trong nửa đầu năm 2023, 16 cổ phiếu cốt lõi của quỹ ngoại này có mức tăng trưởng thu nhập trung bình ở mức 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng thu nhập của các công ty niêm yết trên sàn HoSE giảm 10% so với nửa đầu năm 2022. Nền tảng này là một trong những yếu tố khiến Petri Deryng – người đứng đầu Pyn Elite Fund tự tin danh mục của quỹ sẽ hoạt động tốt hơn VN-Index trong nửa cuối năm.
Về vĩ mô, dữ liệu tháng 7 tiếp tục cho thấy những cải thiện đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng âm 1%. FDI đăng ký và giải ngân trong tháng 7 cũng tăng lần lượt 86% và 3,04% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược thành công xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2023.
Trước sự suy yếu của sức mua toàn cầu, xuất khẩu tháng 7 ghi nhận mức giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số trên đã khả quan hơn hiều so với mức giảm 12% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt mức cao nhất mọi thời đại mới là 15,2 tỷ USD so với đầu năm, hỗ trợ dự trữ ngoại hối và tỷ giá hối đoái ổn định.
Đáng chú ý, lạm phát vẫn ở mức cực kỳ thấp (2,06%) tạo cơ hội cho các đợt giảm lãi suất tiếp theo. Theo Pyn Elite Fund, đã có những cuộc đàm phán về việc cắt giảm lãi suất điều hành hơn nữa trong những tháng tới. Trong thư gửi nhà đầu tư vào cuối tháng 7, quỹ ngoại này dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6% vào quý 3, nhờ đó mà tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết sẽ tăng tốc và việc tái phân bổ vốn trở lại thị trường chứng khoán sẽ tiếp diễn.
Góc nhìn CTCK: Rủi ro ngắn hạn gia tăng, NĐT nên cẩn trọng trong những phiên giao dịch tới
Theo Cafef