CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, qua đây cho thấy rủi ro rất lớn từ cam kết mua lại của công ty chứng khoán.
TVSI từng nổi danh trên thị trường ở mảng kinh doanh trái phiếu trước khi nổ ra vụ việc tại Vạn Thịnh Phát. Báo cáo tài chính bán niên 2022 của công ty này cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, lãi chủ yếu đóng góp từ tiền lãi trái phiếu và lãi cho vay (margin). Trong đó, đóng góp lớn nhất là khoản lãi trái phiếu lên tới 480 tỷ đồng.
Bản báo cáo tài chính này thể hiện, tổng giá trị đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp là 1.892,6 tỷ đồng, cho vay 3.642,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu lưu ký ở TVSI lên tới 311 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Với quy định về phí lưu ký của VSD là 0,2 đồng/cổ phiếu, trái phiếu, có thể thấy, TVSI thời điểm đó quản lý một lượng trái phiếu lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.
Tài liệu các nhà đầu tư cung cấp cho Đầu tư Chứng khoán cho thấy, TVSI thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành có giá trị vài trăm tỷ đồng như trái phiếu Gotec Land, BNP, Năng lượng Nam Phương, Hưng Thịnh Land… tới hàng nghìn tỷ đồng như Tân Thành Long An, Nova Thảo Điền, sau đó xé lẻ ra, mua đi bán lại nhiều lần với kỳ hạn khác nhau với các nhà đầu tư. Điều này có nghĩa, trước tổ chức phát hành, TVSI đứng tên là trái chủ duy nhất nhưng thực chất trái phiếu đã được phân phối tới hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân, tổ chức.
Để thuyết phục nhà đầu tư mua trái phiếu, TVSI ký hợp đồng mua lại số trái phiếu đã bán cho nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai. Khi bán và mua lại trái phiếu với nhà đầu tư, Công ty ghi nhận như hoạt động tự doanh.
Phương thức kinh doanh trên đã khiến TVSI mua bán trái phiếu vượt 70% vốn chủ sở hữu. Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty chứng khoán chỉ được đầu tư trái phiếu với giá trị tối đa 70% vốn chủ sở hữu. Vào cuối năm 2022, TVSI đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì vi phạm quy định này.
Sau khi vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra, TVSI không thực hiện được việc mua lại cho các nhà đầu tư. Đến hạn phải mua lại trái phiếu theo cam kết, Công ty đơn phương gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này.
Không có nguồn lực thực hiện hợp đồng đã ký với các nhà đầu tư, TVSI đàm phán với nhà đầu tư về việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại trái phiếu tương ứng với thời gian đáo hạn trái phiếu của tổ chức phát hành. Một tỷ lệ nhà đầu tư thực hiện hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, bán trước hạn cho tổ chức phát hành hoặc để nhận lãi coupon trái phiếu đã phải ký hợp đồng giải phóng “nghĩa vụ” mua lại của TVSI.
Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022, tổng mệnh giá trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại là khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được là hơn 14.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán được TVSI công bố, tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 31/12/2022 là khoảng trên 20.700 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỷ đồng). Đến thời điểm phát hành báo cáo, tổng mệnh giá trái phiếu Công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được hơn 14.800 tỷ đồng.
Theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, tại ngày 31/12/2022, Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50% (tương đương khoảng 195 tỷ đồng) giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 4.870 tỷ đồng vì cho rằng việc vi phạm của Công ty là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng, nên trong quá trình giải quyết tranh chấp, Công ty có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và Công ty chỉ bồi thường khi có phán quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
TVSI cho biết, đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty chưa phải trả chi phí nào liên quan đến việc vi phạm các hợp đồng mua lại trái phiếu, cho thấy việc trích lập dự phòng nói trên là phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng của kế toán.
Bên cạnh đó, từ ngày 2/11/2022, số dư tiền gửi của TVSI tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là khoảng 1.609 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán khoảng 879 tỷ đồng và tiền gửi của Công ty phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng khoảng 730 tỷ đồng không giao dịch được.
Công ty đã gửi các công văn đến các cơ quan chức năng liên quan phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của Công ty mở tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, Công ty chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng.
Trước đó, do báo cáo tài chính không được kiểm toán, TVSI đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngày 23/6/2023, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã quyết định đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với TVSI tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời gian đình chỉ từ ngày 27/6/2023 cho đến khi TVSI được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Căn cứ kết quả kiểm tra việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ từ ngày 1/1/2021 đến 5/9/2022, ngày 11/1/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt TVSI 150 triệu đồng, theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 26, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 21 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 1/1/2022 đến 30/8/2022, có nhiều thời điểm, tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của TVSI vượt quá 70% vốn chủ sở hữu của Công ty, vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn