Chứng khoán châu Á đã ghi nhận dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy ra trong tháng 8, do tâm lý lo ngại tăng cao liên quan tới chu kỳ thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài hơn kỳ vọng và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam cho thấy, khối ngoại đã bán ròng 4,74 tỷ USD cổ phiếu trong tháng 8, là mức lớn nhất kể từ tháng 9/2022.
Tháng trước, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 16 năm do kỳ vọng lãi suất cao sẽ kéo dài sau khi các báo cáo kinh tế quan trọng về việc làm và giá tiêu dùng đều chỉ ra một nền kinh tế có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên.
Prerna Garg, chiến lược gia chứng khoán tại HSBC cho biết: “Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đột ngột có xu hướng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt đối với các thị trường dài hạn, tức là những thị trường mà phần lớn lợi nhuận dự kiến sẽ đến trong tương lai”.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 3,65 tỷ USD khỏi chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), mức cao nhất trong một tháng kể từ tháng 9/2022.
Manishi Raychaudhuri, chiến lược gia cổ phiếu châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas cho biết: “Đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh và tình trạng bất ổn tiếp diễn trong lĩnh vực bất động sản là những yếu tố địa phương góp phần tạo nên tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư nước ngoài đối với châu Á”.
Khối ngoại bán ròng ở hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á trong tháng 8 |
Chứng khoán Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam lần lượt ghi nhận 1,32 tỷ USD, 569 triệu USD, 423 triệu USD, 131 triệu USD và 125 triệu USD giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn thu hút khoảng 1,48 tỷ USD dòng vốn nước ngoài khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trong tháng thứ sáu liên tiếp.
“Trong số các thị trường châu Á và mới nổi, Ấn Độ được các nhà đầu tư nước ngoài xem là nơi trú ẩn tương đối an toàn và có khả năng mang lại lợi nhuận không tương quan với các thị trường châu Á khác. Tăng trưởng kinh tế ổn định của Ấn Độ, tình hình tài chính tương đối mạnh mẽ, bản chất không tương quan của nền kinh tế trong nước với các nền kinh tế phát triển mà rủi ro suy thoái vẫn rình rập và hiện tượng dòng vốn nội địa mạnh mẽ vô hiệu hóa những biến động trong dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là một số động lực dẫn đến nhận thức như vậy về sự an toàn”, chiến lược gia Manishi Raychaudhuri cho biết.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ tuần trước cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát chính của Fed đã tăng 3,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ, cho thấy nền kinh tế không quá nóng để tạo ra những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG có trụ sở tại Singapore cho biết: “Có thể có chỗ cho một số dòng vốn nước ngoài. Fed sắp kết thúc quá trình thắt chặt và có một số hy vọng về các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc nhằm ổn định điều kiện tăng trưởng trong những tháng tới”.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn