Tính từ đầu năm, Hòa Phát là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất sàn chứng khoán với tổng giá trị luỹ kế lên đến 4.200 tỷ đồng.
HPG:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Sau giai đoạn mua ròng mạnh kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến đầu năm nay, khối ngoại đã quay xe xả hàng khá rát từ đầu quý 2 với giá trị bán ròng trên HoSE lên đến hơn 6.300 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu Hòa Phát (mã HPG) lại bất ngờ được mua gom mạnh.
Tính từ đầu tháng 6, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng trên cổ phiếu đầu ngành thép trong đó có chuỗi 13 phiên liên tiếp vừa qua. Con số trên đã đẩy giá trị mua ròng luỹ kế từ đầu năm lên đến 4.200 tỷ đồng và đưa HPG trở thành cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất sàn chứng khoán.
Nếu xu hướng này được duy trì đến hết tháng, HPG sẽ có 8 tháng liên tiếp được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Đây là điều khá bất ngờ khi cổ phiếu này từng bị khối ngoại bán ròng “không thương tiếc” trong thời gian dài trước đó.
Năm 2021, HPG thậm chí còn là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất sàn chứng khoán với giá trị lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Xu hướng này thực tế vẫn kéo dài cho đến quá nửa đầu năm 2022 trước khi đảo chiều từ tháng 11. Tính chung cả năm ngoái, khối ngoại vẫn bán ròng gần 4.200 tỷ đồng trên HPG mặc dù đã mua ròng mạnh trong 2 tháng cuối năm.
Khối ngoại quay xe mua ròng mạnh đúng vào giai đoạn cổ phiếu HPG đang lao dốc xuống đáy dài hạn cùng mức định giá thấp hiếm thấy (P/B về dưới 1). Động lực từ tiền ngoại đã nhanh chóng đưa cổ phiếu đầu ngành thép hồi phục trở lại.
Cường độ mua ròng sau đó đã hạ nhiệt nhưng khối ngoại vẫn vào tiền đều giúp HPG đi ngang tích luỹ trước khi tiếp tục bứt phá. Tiền ngoại gia tăng mạnh từ đầu tháng 6 cũng là giai đoạn cổ phiếu này nhấn ga tăng tốc để leo lên vùng đỉnh một năm.
Với vị thế cổ phiếu đầu ngành thép cùng quy mô vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu lưu hành và trôi nổi thuộc hàng khủng nhất nhì sàn chứng khoán, HPG gần như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để “lọt vào mắt xanh” của quỹ ngoại lớn trên thị trường. Các cá mập tên tuổi như nhóm Dragon Capital, VinaCapital, LionGlobal Vietnam Fund… cũng không có nhiều lựa chọn khả dĩ hơn cổ phiếu đầu ngành thép.
Bên cạnh đó, HPG cũng thường xuyên có tỷ trọng lớn trong các rổ chỉ số VN30, MVIS Vietnam Index, FTSE Vietnam Index, FTSE Vietnam 30 Index,… Đây là chỉ số tham chiếu của nhiều ETF lớn trên thị trường như Fubon ETF, V.N.M ETF, FTSE Vietnam ETF hay DCVFM VN30 ETF,… Vì thế dòng tiền đổ vào các quỹ ETF đương nhiên sẽ không thể bỏ qua cổ phiếu này.
Triển vọng lạc quan
Ngoài yếu tố cung cầu, triển vọng hồi phục tương đối lạc quan của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng có thể là yếu tố thu hút khối ngoại trở lại. Không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành, nhiều đơn vị phân tích cũng nhận định giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành thép đã qua.
Thực tế, ngành thép nói chung cũng đang đón một số tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.
Tiêu thụ thép dần hồi phục phần nào củng cố thêm cơ sở để các nhà sản xuất thép tái khởi động lại các lò cao đã đóng vào cuối năm ngoái khi thị trường ảm đạm. Không chỉ có Hòa Phát, Pomina cũng đã có kế hoạch mở lại lò cao, thậm chí còn dự định tăng vốn để bổ sung nguồn lực mở rộng sản suất kinh doanh.
Không thể phủ nhận triển vọng tương đối lạc quan về dài hạn đối với ngành thép tuy nhiên những thách thức trong ngắn hạn cũng không ít. Sau khi có nhịp hồi phục mạnh từ đáy vào nửa đầu tháng 6, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc đã quay đầu giảm trở lại trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Theo Agriseco, giá thép thế giới có thể đi ngang trong nửa cuối năm 2023 bởi triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan, thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn ảm đạm.
Đối với thị trường trong nước, nhu cầu có sự phục hồi từ đáy nhưng vẫn còn yếu đã gây áp lực lớn lên giá thép ngay cả trong giai đoạn giá mặt hàng này trên thế giới phục hồi. Giá thép xây dựng trong nước đã có 11 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4.
“Cổ phiếu quốc dân” Hòa Phát lên đỉnh một năm, liệu còn thích hợp để tích lũy dài hạn?
Theo Cafef