Theo VinaCapital, dù giá trị tăng sau khi định giá lại song vẫn con số thấp hơn chi phí và lợi nhuận dự kiến ban đầu, do đó quỹ sẽ tiếp tục làm việc với từng khoản đầu tư để tìm cách thu hồi toàn bộ vốn theo thời gian.
Trong thông báo mới nhất, quỹ thành viên thuộc VinaCapital là Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã thông báo đánh giá lại các khoản đầu tư chưa được niêm yết nắm giữ trong danh mục đầu tư, ghi nhận giá trị tăng thêm 54,3 triệu USD, tương ứng khoảng 1.300 tỷ đồng.
Hoạt động định giá lần này được thực hiện bởi KPMG và đơn vị định giá độc lập thuộc VinaCapital. Theo VinaCapital, việc định giá đã nhận được sự giám sát đặc biệt sau các vụ việc có khả năng vỡ nợ liên quan tới một số khoản đầu tư của quỹ.
Trong đó, khoản đầu tư vào vốn cổ phần đại chúng với các điều khoản riêng biệt (được gọi tắt PEPT) ghi nhận tăng 26,8 triệu USD sau khi đánh giá lại giá trị, liên quan tới đầu tư vào các Dự án Norfolk (Novaland), Nova Consumer Group (NCG), Đất Xanh Services (DXS) và Hưng Thịnh Land (HTL).
VinaCapital cho biết giai đoạn cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn khiến quỹ đã đánh giá lại giá trị khoản đầu tư này và ghi nhận giảm 26,2 triệu USD để trích lập dự phòng. Tuy nhiên tới nay, dù chưa có thêm các bằng chứng đảm bảo việc quỹ có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư, song giai đoạn nửa năm trở lại đây quỹ đã đàm phán lại các điều khoản và lên kế hoạch thu hồi khoản đầu tư cũng như lợi nhuận dự kiến, tăng tính an toàn cho khoản đầu tư khi thị trường bất động sản dần ổn định trở lại. VinaCapital cũng đã thực hiện hóa lợi nhuận một số cổ phiếu nắm giữ khi giá hồi phục trở lại.
Cần lưu ý rằng dù giá trị tăng sau khi định giá lại song vẫn con số thấp hơn chi phí và lợi nhuận dự kiến ban đầu (IRR đạt 20% – 25%). Do đó VinaCapital sẽ tiếp tục làm việc với từng khoản đầu tư để tìm cách thu hồi toàn bộ vốn theo thời gian.
Được biết, VOF đã rót 25,2 triệu USD để mua cổ phần của Nova Consumer, song cuối năm 2022 quỹ đầu tư thuộc VinaCapital phải dự phòng 7,4 triệu USD, tương đương 29% trên giá gốc. Với Novaland, khoản đầu tư từng được ghi nhận giá trị 58,5 triệu USD vào giữa năm ngoái xong tới cuối năm chỉ còn gần 39 triệu. Khoản đầu tư tại Đất Xanh Service ghi nhận giá trị 26,5 triệu USD trong khi giá trị khoản đầu tư vào Hưng Thịnh Land là hơn 24 triệu USD tại thời điểm cuối năm 2022.
Song song, khoản đầu tư nắm giữ cổ phần các doanh nghiệp tư nhân (PE) cũng được đánh giá lại tăng 27,5 triệu USD. Đây là các khoản đầu tư tại Bệnh viện Quốc tế Thu Cúc, Y tế Tâm Trí, In Holdings, Chicilon Media và Hùng Vương Plaza.
VinaCapital cho biết giá trị đánh giá lại tăng 54,3 triệu USD sẽ được tính vào giá trị tài sản ròng hàng tuần của Công ty.
VOF là một trong các quỹ đầu tư có quy mô lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến cuối tháng 2/2023, tổng giá trị tài sản ròng của quỹ lên đến hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, 10 khoản đầu tư lớn nhất vào các công ty niêm yết chiếm 63,8% bao gồm ACB, KDH, HPG, FPT, ACV, VHM, OCB, PNJ, QNS và PVS.
Tại thời điểm cuối tháng 8/2023, ngoài danh mục chứng khoán niêm yết, VOF còn phân bổ lượng lớn tài sản vào các doanh nghiệp tư nhân, công ty đại chúng với các điều khoản riêng biệt và doanh nghiệp chưa niêm yết.
Tại thời điểm cuối tháng 8/2023, khoản đầu tư PEPT của VOF chiếm 13% danh mục, tương ứng giá trị khoảng 145 triệu USD. Khoản đầu tư công ty tư nhân PE chiếm 15,2% danh mục, đạt 170 triệu USD.
Ngoài ra, trong cơ cấu nhóm ngành, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF với 24,3%, theo sau lần lượt là tài chính, nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng,…
Theo Cafef