Sổ trắng, sổ hồng, sổ đỏ hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà là cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về bất động sản nhưng nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa những khái niệm này.
Sổ hồng là gì?
Sổ hồng là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” tại đô thị (nội thành, nội thị xã, thị trấn) được quy định tại Nghị định số 60-CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.
Trên sổ hồng thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, diện tích, loại đất, thời hạn sử dụng…) và quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, số tầng, kết cấu nhà, diện tích sử dụng chung, riêng…). Sổ này có màu hồng nhạt và do UBND tỉnh cấp. Sau này để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, pháp luật cho phép UBND tỉnh được ủy quyền cho UBND quận, thị xã cấp sổ hồng cho chủ sở hữu trong phạm vi địa bàn mình quản lý. Khi chuyển nhượng thì chỉ cần chữ ký của người đứng tên trên Giấy chứng nhận là được.
Sổ trắng là gì?
Tính đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết “sổ trắng” là loại giấy tờ gì. Mặc dù vậy trong thực tế, nhiều địa phương đã xét “sổ trắng” là một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Sổ trắng hiện nay có rất nhiều loại gồm giấy tờ cấp trước 30/4/1975 có văn tự đoạn mãi bất động sản (nhà ở và đất ở), bằng khoán điền thổ; cấp sau 30/4/1975 có giấy phép mua bán nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận (hoặc quyết định) của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở,…
Theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007, bắt đầu từ 01/01/2008, những loại giấy trắng nếu muốn giao dịch thì phải đổi qua giấy hồng (đối với các loại giấy trắng về nhà và đất) hoặc giấy đỏ (đối với các loại giấy trắng về đất).
Ngoài ra, các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà có ghi diện tích đất khuôn viên sẽ được pháp luật công nhận là quyền sử dụng đất gắn liền. Vì vậy, đối với những trường hợp trên thì sẽ được chuyển đổi qua giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (giấy hồng mới).
Tóm lại, sổ trắng là loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp của người tạo lập, được cấp đúng với quy định pháp luật tại thời điểm đó. Do đó, không thể phủ nhận giá trị của các loại giấy này.
Sổ đỏ:
Sổ đỏ là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” được cấp cho khu vực ngoại ô (nông thôn) được quy định tại Nghị định số 60-CP của Chính phủ và Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính.
Các loại đất được cấp theo sổ đỏ rất phong phú và đa dạng, bao gồm đất nông – lâm – ngư nghiệp, làm muối và đất làm nhà ở thuộc nông thôn. Sổ này có màu đỏ đậm và do UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp cho chủ sử dụng.
Bên cạnh đó, đa phần sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình (vì thường gắn với đất nông nghiệp, lâm nghiệp…) nên khi chuyển nhượng hoặc thực hiện các giao dịch dân sự nói chung liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải có chữ ký của tất cả các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên có tên trong sổ hộ khẩu của hộ gia đình đó. Đối với sổ hồng thì khi chuyển nhượng, giao dịch chỉ cần chữ ký của người hoặc những người đứng tên trên Giấy chứng nhận.
PHÂN BIỆT SỔ ĐỎ VÀ SỔ HỒNG:
Thực tế thì những cái tên này không phải là tên chính thức mà chỉ là cách gọi của người dân dựa theo màu của mỗi loại giấy để phân biệt cho dễ dàng. Để phân biệt sổ đỏ và sổ hồng thì cần phải dựa vào mục đích và cơ quan có thẩm quyền cấp hai dạng sổ này. Cụ thể như sau:
SỔ ĐỎ:
Sổ đỏ là do Bộ tài nguyên và môi trường ban hành với nội dung là ghi nhận quyền sử dụng đất cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Cũng vì thế mà sổ đỏ mới có tên gọi đúng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xem thêm:
- Sổ hồng chung cư và thủ tục để làm sổ hồng chung cư
- Sổ hồng chung là gì? Có nên mua nhà liền kề có sổ hồng chung hay không?
- Điều kiện lên đất thổ cư từ nền đất nông nghiệp
SỔ HỒNG:
Khác với sổ đỏ thì sổ hồng lại là do Bộ xây dựng ban hành với nội dung là về quyền sở hữu nhà ở cùng quyền sử dụng đất. Trong các trường hợp sau sẽ được cấp sổ hồng:
- Chủ sở hữu nhà đồng thời là người sử dụng đất. Nếu là chủ sở hữu căn hộ chung cư thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
- Chủ sở hữu nhà không là chủ sử dụng đất thì chỉ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Các loại giấy tờ gồm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cửa ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Mặc dù đã có mẫu Giấy chứng nhận mới nhưng trên thực tế, do người dân đã quá quen sử dụng tên gọi “sổ hồng” “sổ đỏ” nên sau khi có mẫu Giấy chứng nhận mới người dân vẫn gọi Giấy chứng nhận mới này là “sổ đỏ”, “sổ hồng”. Vì thế, tên gọi sổ đỏ, sổ hồng trong thời gian gần đây không còn mang ý nghĩa giống như lúc nó mới được sử dụng.
Tìm hiểu thêm:
- Thị trường bất động sản và phân loại từng thị trường
- Tìm hiểu về sàn giao dịch bất động sản
- Công thức giúp bạn đầu tư bất động sản an toàn trong thị trường biến động