Cứ ngỡ thị trường trầm lắng, đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội sẽ giảm giá. Thế nhưng, trong quá trình tìm mua, nhiều người không khỏi giật mình vì giá vẫn neo cao.
Hơn 2 tháng tìm kiếm, khảo sát thị trường đất nông nghiệp vùng ven, chị Nguyễn Liên (Hà Nội) bất ngờ khi mức giá không hề rẻ. Kế hoạch của vợ chồng chị Liên sẽ mua lô đất nông nghiệp tại vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Thanh Oai hoặc dịch về hướng tỉnh Hoà Bình để trồng cây. Kế hoạch này đã được đưa ra từ thời điểm năm 2021 nhưng vì tình hình dịch bệnh cũng như giá đất nông nghiệp tăng đột biến trong giai đoạn 2020-2021 nên vợ chồng chị Liên quyết định chờ đợi giá hạ.
Đến đầu năm 2023, sau thời gian quan sát thị trường và nhận thấy nhiều khu vực hạ giá, chị Liên bàn với chồng tìm kiếm lô đất nông nghiệp ở vùng ven. Kỳ vọng mức giá sẽ giảm từ 15-20% nhưng sau thời gian tìm kiếm, chị Liên giật mình khi chủ đất vẫn hét giá cao.
“Tôi được người bạn giới thiệu cho chủ đất ở Hoà Bình. Chủ đất giới thiệu lô đất rộng khoảng 600m2 trong đó có 180m2 đất thổ cư. Giá mà chủ đầy phát ra là 3 tỷ đồng. Tức tương đương với giá khoảng 5 triệu đồng/m2. Vị trí lô đất không quá đẹp. Chưa kể, phần đất nông nghiệp chỉ vài năm là hết hạn. Mức giá này cao như thời điểm năm 2021, thậm chí còn nhỉnh hơn. Khi tôi hỏi: Sao giá đắt vậy? Chủ đất báo lại: “Thế là rẻ! Giá đất ở Hoà Bình còn tăng nữa”. Nghe xong giá mà chủ phát ra, tôi không có nhu cầu liên hệ lại để đàm phán”, chị Liên nói.
Cũng trong thời gian tìm kiếm, chị Liên làm việc với môi giới để tìm kiếm. “Lên mạng thấy môi giới thông báo: Chủ cần bán gấp, phải cắt lỗ. Hay giá đất đẹp chưa từng thấy, không mua ngay sẽ bỏ lỡ. Tôi vào liên hệ và hỏi giá. Thực sự đúng là chủ đất vẫn “ngáo giá”. Khoảng 2 lô đất ở Ba Vì (Hà Nội) được môi giới thông báo giá 6 triệu đồng/m2. Mức giá này cũng tương tự ở Thạch Thất.
“Tôi không thấy giá đất nông nghiệp giảm. Nhiều chủ đất vẫn “hét giá” rất cao. Tôi nhớ năm 2021, khi tìm mua đất, mức giá cũng gần như tương tự. Chưa kể, một số lô đất chủ gửi, tôi thấy vị trí, địa thế, đường giao thông qua không đẹp như một số lô đất trước mà tôi khảo sát”, chị Liên bức xúc nói thêm.
Anh Trần An, môi giới chuyên bán nhà đất khu vực Hoà Bình cho biết, giá đất vườn, hay đất rừng, khai hoang ở khu vực vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai hay huyện Lương Sơn (Hoài Bình), giá đất đã tăng mạnh, gấp theo số lần chỉ trong giai đoạn 2020-2021. Vì giá tăng mạnh, một thời môi giới, nhà đầu tư về “săn” rầm rộ nên người dân xung quanh cũng tăng giá theo. Thông thường, giá đã tăng, rất khó giảm trở lại nhất là đối với đất dân sở hữu. Trừ trường hợp, nhà đầu tư, đầu cơ đang sử dụng đòn bẩy mới giảm giá sâu.
Tầm giá chung ở khu vực dọc sát về Hoà Lạc nằm tại huyện Thạch Thất, giá lên tới 6-15 triệu đồng/m2. Khu vực này, nhà đầu tư mua đất làm farmstay, homestay nhiều nên giá khó giảm. Tương tự tại Lương Sơn, do gần Hà Nội nên tầm giá vẫn cao, từ 2-16 triệu đồng/m2.
Theo anh An, “Đến gần một năm nay, nhiều khách hàng liên hệ với tôi để tìm mua đất để trồng cây, trang trại. Họ đều nghĩ rằng giá đất đã giảm. Nên khi báo giá đất, người mua đều than đắt. Nhưng thực tế, chủ đất không giảm và họ cũng không có nhu cầu giảm”.
“Việc cắt lỗ giảm giá không xảy ra trên diện rộng, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt chủ làm ăn thua lỗ. Hoặc trường hợp giảm giá chỉ xảy ra với lô đất quá lớn hay vị trí xấu, có thể dính quy hoạch treo, lỗi chút về phong thuỷ. Thông thường, để tìm lô đất cắt lỗ giảm giá sâu chắc chắn sẽ khó”, môi giới này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho rằng, rất khó kiểm chứng thông tin cắt lỗ của môi giới và chủ nhà. Và trường hợp cắt lỗ xảy ra với những nhà đầu tư chịu áp lực bởi dùng đòn bẩy tài chính lớn.
Ông Quốc Anh khuyến nghị người mua nên tỉnh táo, xem xét và khảo sát giá. Phải xác định đó là vùng giá hợp lý. Nếu mức giảm tới hàng chục % thì người mua có thể cân nhắc.
Hà Nội: Dù biết phân khúc này đã giảm cả chục tỷ so với giá năm trước, nhưng tại sao người mua vẫn không xuống tiền?
Theo Cafef