Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá tính khả thi của dự án bởi diện tích chuyển đổi đất trồng lúa rất lớn, tránh thu hồi tràn lan, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai; lưu ý tỉnh Hòa Bình không đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt sang phi nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường ( TN&MT) phúc đáp về Công văn số 486/BTNMT ngày 3/2/2023 về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).
Dự này có quy mô hơn 189 ha, trong đó đề nghị chuyển mục đích sử dụng 115,8 ha đất trồng lúa.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ TN&MT có ý kiến với UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, rà soát đảm bảo sự thống nhất về quy mô dự án, diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng trong tài liệu của hồ sơ.
UBND tỉnh Hòa Bình cần bổ sung, cập nhật chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác chưa thực hiện trên địa bàn xã Cuối Hạ, xã Kim Bôi theo quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 13/9/2021.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình phải điều chỉnh, bổ sung diện tích đất trồng lúa được phép chuyển mục đích sử dụng sang mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn xã Cuối Hạ, xã Kim Bôi theo kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đã được phê duyệt.
Bộ NN&PTNT lưu ý, diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án này rất lớn, UBND tỉnh Hòa Bình phải có trách nhiệm đánh giá tính khả thi của dự án, tránh việc thu hồi đất tràn lan, đặc biệt là đất trồng lúa, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình không đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa (2 vụ lúa trở lên) sang phi nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực.
UBND tỉnh Hòa Bình chỉ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của luật Đất đai, luật Trồng trọt và các luật khác có liên quan; phải bảo đảm chỉ tiêu đất trồng lúa được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9.3.2022 của Thủ tướng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình cần đánh giá mức độ tác động đến đời sống của người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án bồi thường, tái định cư và giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án; không để ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất, gây khiếu kiện trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cập nhật dự án nêu trên vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025.
Được biết, Dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022 với tổng mức đầu tư khoảng 6.650 tỷ đồng.
Dự án gồm có 1.200 căn nhà ở biệt thự (biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, biệt thự tứ lập; biệt thự nghỉ dưỡng ven đồi, biệt thự ven hồ) có diện tích từ 350 – 750 m2, tầng cao 3 – 4 tầng, mật độ xây dựng 25 – 30%; chiếm 63,15% tổng số lượng nhà ở trong dự án.
Ngoài ra, dự án 700 căn nhà ở liền kề kết hợp thương mại diện tích từ 90 – 120 m2, tầng cao 4 – 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%; chiếm 36,85% tổng số lượng nhà ở trong dự án.
Thời gian thực hiện không quá 5 năm kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng từ quý III/2022 và hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành quý I/2026.
Ngậm đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp
Theo Cafef