Tại Hội nghị công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, tỉnh này đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.000 tỷ đồng.
Ngày 2/4, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan, địa phương đã hoàn tất việc lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Các quy hoạch trên được duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc thực hiện hóa mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.
Đồng thời, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng vừa được công bố để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Đồng thời, phát triển bền vững địa phương với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Thủ tướng còn đề nghị Khánh Hòa tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện nhanh các chỉ số về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PAPI, PCI…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa thành những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, thành động lực phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Khánh Hòa tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng tin tưởng sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Khánh Hòa, miền Trung và Việt Nam để làm giàu cho mình và góp phần vào sự phát triển của đất nước Việt Nam, của miền Trung và tỉnh Khánh Hòa.
Chấp thuận chủ trương cho loạt dự án “khủng”
Cũng tại hội nghị, tỉnh Khánh Hòa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.000 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho 16 doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng trên 80.000 tỷ đồng.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án như: Dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home (tại phường Cam Nghĩa) của Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh, tổng vốn đầu tư đăng ký 3.756 tỷ đồng; dự án Nhà ở xã hội Hưng Phú II của Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng Nguyên Hạnh, tổng vốn đầu tư 1.014 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Thanh Vân của Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Thanh Vân, tổng vốn đầu tư 1.175 tỷ đồng; dự án KDL Bãi Cát Thấm của Công ty Cổ phần T&M Vân Phong, tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng…
Tiếp đó, các bên còn trao bản ghi nhớ cho các dự án như: Nghiên cứu xây dựng dự án Khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm của Công ty Cổ phần FPT, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; nghiên cứu đầu tư dự án Trường liên cấp Vinschool của Công ty Cổ phần Vinschool, tổng vốn đầu tư 510 tỷ đồng; nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng Nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn công trình xanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Tập đoàn Capital House), tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là nghiên cứu đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) Hòn Lớn – Khải Lương của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã – Tu Bông của Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc, vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng; Nghiên cứu đầu tư dự án Bến cảng khách KN Cam Ranh (bến du thuyền quốc tế Cam Ranh) của Công ty TNHH KN Cam Ranh, vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng.
Cuối cùng, xây dựng và Vận hành Cảng hàng không Quốc tế Vân Phong của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Vân Đồn, vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng; nghiên cứu đầu tư xây dựng Trung tâm cảng biển – đô thị Đầm Môn của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng…
Một loại hình bất động sản được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng nhưng nhà đầu tư đang “bỏ quên”
Theo Cafef