Đó là chia sẻ của đại biểu Hoàng Văn Cường đến từ đoàn Hà Nội tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Phát biểu tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân đã nêu ý kiến về bất động sản hình thành trong tương lai. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng sửa luật lần này cần giải quyết bất cập của sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai. Đây là các dự án được phê duyệt, đất có hạ tầng, nhà làm xong móng và chủ đầu tư được quyền đem bán để huy động vốn trước. Nhưng thực tế, chính loại hình bất động sản này lại gây ra rất nhiều hệ lụy.
Thời gian qua, giá bất động sản tăng bất thường, tăng nhanh chủ yếu là nhóm bất động sản hình thành trong tương lai. Với đất có nhà rồi thì gần như giá khá ổn định, có thể tăng đều đều chứ không tăng lên giảm xuống bất thường.
Ông Cường cũng cho rằng, những vụ lừa đảo của các dự án ma cũng là bất động sản hình thành trong tương lai. Dù dự án mới vẽ ra giấy, nhưng đã phân lô để bán, lúc đó có thể lừa được người mua, nếu như hình thành nhà rồi thì khó có thể lừa được.
Ông Cường nói: “Trên thế giới tôi thấy chưa có nước nào bán bất động sản hình thành trong tương lai. Nếu nhà đầu tư muốn huy động vốn, có thể phát hành trái phiếu công trình đó, thành lập quỹ đầu tư bất động sản; trái phiếu này sau đó có thể được chuyển đổi thành nhà ở”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên quy định bất động sản hình thành trong tương lai. Ông đề nghì dự thảo bổ sung quy định nhà đầu tư muốn huy động vốn có thể phát hành trái phiếu công trình có chuyển đổi. Từ đó, người muốn mua đất, nhà đều có cơ hội đầu tư và kiểm soát dự án.
Cũng tại buổi thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, dự luật chưa quy định năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính mới được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có như vậy dự án mới triển khai đúng tiến độ và quy định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có tình trạng không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hàng trăm nghìn người dân không được cấp vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước. Quy định luật là giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp không nộp thì mới phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng. Thế nên, doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách. Người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền phải đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng đặt ra câu hỏi rằng: Tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự, đưa ra tòa. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết? Chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách thì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn này, mất lòng tin.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định trong luật chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau phải đi đòi nợ”.
Theo Cafef